Để hiện thực mục tiêu trở thành đô thị thông minh, hướng tới tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Đối với lĩnh vực chiếu sáng công cộng, Vĩnh Phúc khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ, phát triển hệ thống điện chiếu sáng thông minh, góp phần bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, lại là địa phương tiên phong trong xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng thông minh. Công trình hệ thống điện chiếu sáng công cộng thông minh trên địa bàn huyện được triển khai vào giữa năm 2022 với tổng mức đầu tư gần 9,5 tỷ đồng.
Các hạng mục của hệ thống công trình này, bao gồm có Trung tâm điều hành và giám sát chiếu sáng thông minh; thay thế 28 tủ điều khiển chiếu sáng đã xuống cấp bằng tủ điều khiển kết nối trung tâm đồng bộ; thay thế đèn thế hệ cũ Sodium 250W bằng đèn LED thông minh công suất thấp kết nối trung tâm trên tuyến đường trục chính...
Sau nửa năm vận hành khai thác, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh ở Yên Lạc cho thấy những hiệu quả vượt trội so với hệ thống chiếu sáng cũ như tiết kiệm được 2 lần chi phí do công suất tiêu thụ của đèn LED thấp hơn đèn Sodium nhưng tuổi thọ lại lớn hơn 4 lần.
Về mặt xã hội, đèn LED có hiệu suất phát quang cao hơn, đem lại diện mạo mới cho hạ tầng đô thị, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và an ninh khu vực. Công tác quản lý vận hành, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện sự cố, ghi chỉ số công tơ được thực hiện thông qua phần mềm điều khiển chiếu sáng tại Trung tâm điều khiển mà không cần cử cán bộ cử cán bộ kỹ thuật theo dõi từng tuyến, từng tủ cấp nguồn chiếu sáng công cộng.
Ông Phan Mạnh Lân, Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng và phát triển cụm công nghiệp huyện Yên Lạc, cho biết, việc sử dụng công nghệ tiên tiến, thông minh trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng không chỉ giúp tiết kiệm điện năng, công sức, giảm chi phí duy tu, bảo dưỡng, bảo trì và vận hành mà còn góp phần nâng cao chất lượng của bộ máy quản lý nhà nước và tiết kiệm ngân sách chi hàng năm. Hệ thống góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của quá trình đô thị hóa.
Hiện, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh đang tích cực nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, xây dựng giải pháp chiếu sáng thông minh đồng bộ, làm cơ sở để nhân rộng, dành nguồn lực đầu tư xây dựng công trình điện chiếu sáng công cộng thông minh tại khắp các địa phương, góp phần tạo nên diện mạo cho các đô thị trên địa bàn.
Tỉnh sẽ đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao hiệu suất quản lý phát triển các đô thị, nhất là đô thị lớn trên địa bàn thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, cảm biến, kết nối, tự động hóa, tương tác trên nền tảng hạ tầng ICT..
Cùng với đó, Vĩnh Phúc cũng ban hành Quy định về quản lý cây xanh đô thị nói chung trên địa bàn; phân công, phân cấp quản lý cây xanh trên địa bàn tỉnh; ban hành danh mục các loại cây trồng phù hợp từng tuyến đường; giao chỉ tiêu trồng cây xanh giai đoạn 2021-2025 cho các huyện, thành phố trồng tại các đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, trong các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc phạm vi đô thị và các khu vực công cộng khác.
Thời gian quan, tỉnh đã chỉ đạo thành phố Vĩnh Yên - đô thị Trung tâm của tỉnh thực hiện hạ ngầm đường điện, cáp thông tin, tạo không gian thoáng mở ở một số vườn hoa, công viên, thư viện... nhiều người dân địa phương rất phấn khởi bởi hết cảnh chứng kiến “mạng nhện trời” giáng xuống, nhất là vào mùa mưa bão, nguy cơ đứt đường dây điện, cáp thông tin gia tăng hoặc những vụ chập cháy dây điện vào mùa hè. Người dân có không gian thoáng, sáng đi làm, vui chơi, giải trí cả ngày lẫn đêm...