Bộ TT&TT cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 là trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thay thế vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2.
Theo thiết kế, VINASAT-1 có tuổi thọ là 15 năm và ở thời điểm đó VNPT dự tính thu hồi vốn sau 10 năm. Với VINASAT-2 có thể có tuổi thọ lên tới 21,3 năm. Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho hay, vệ tinh VINASAT-1 hết hạn sử dụng vào năm 2023.
Hiện hai quả vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 vẫn hoạt động ổn định, dù đã hết thời gian sử dụng theo thiết kế. Khi tiến hành phóng vệ tinh này, VNPT cũng đưa ra thông tin, nhà sản xuất cho biết vệ tinh có thể hoạt động kéo dài thêm khoảng 5 năm, sau khi hết thời gian sử dụng theo thiết kế.
Một chuyên gia về tần số chia sẻ với VietNamNet, cho dù hai vệ tinh này hết thời gian sử dụng và có thể kéo dài thêm 5 năm, nhưng việc chuẩn bị cho vệ tinh mới là vấn đề sớm đặt ra.
"Thông thường, khi đấu giá để mua dung lượng vệ tinh, các khách hàng sẽ đòi hỏi vệ tinh còn khoảng 30% thời gian sử dụng theo cam kết thiết kế. Vì vậy, thời điểm này sẽ khó khăn cho VNPT – đơn vị đang vận hành VINASAT-1 và VINASAT-2, khi chào thầu dịch vụ truyền dẫn qua vệ tinh”, vị chuyên gia nói.
TÀI TRỢ
Trước đó, ngày 18/4/2008 VINASAT-1 được phóng thành công lên quỹ đạo, khẳng định chủ quyền không gian vệ tinh của Việt Nam. Vệ tinh do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất và được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Adrian -5 (Pháp). Vị trí quỹ đạo là 1320E (132 độ đông). Vệ tinh có trọng lượng 2,8 tấn, tuổi thọ hoạt động 15 năm. Băng tần hoạt động: Băng C mở rộng và băng Ku với vùng phủ sóng rộng lớn gồm Việt Nam, Đông Nam Á, Đông Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Úc và Hawaii. VINASAT-1 có tổng giá trị đầu tư xấp xỉ 300 triệu USD, thời gian hoạt động 15 năm, được giao cho Tập đoàn VNPT là chủ đầu tư xây dựng và triển khai.
Đến 5h13 phút ngày 16/5/2012, vệ tinh VINASAT-2 đã được phóng lên quỹ đạo. Vốn đầu tư cho VINASAT-2 xấp xỉ 260 triệu USD do VNPT làm chủ đầu tư và quản lý. Vệ tinh VINASAT-2 có công suất lớn hơn, trọng lượng lớn hơn, số bộ phát đáp nhiều hơn, do đó có dung lượng băng tần nhiều hơn.
Nếu như VINASAT-1 được thiết kế gồm 20 bộ phát đáp hoạt động, trong đó có 8 bộ băng tần C mở rộng, 12 bộ băng tần Ku, với băng thông 36Mhz/1 bộ, 8 bộ phát đáp dự phòng (4 bộ băng Ku, 4 bộ băng C mở rộng), thì VINASAT-2 “hoành tráng” hơn, với 30 bộ phát đáp băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng). Như vậy, có thể thấy VINASAT-2 nhiều hơn VINASAT-1 4 bộ phát đáp, tương đương 20% dung lượng của VINASAT-1. Trong khi VINASAT-1 có vùng phủ sóng băng Ku tại: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar, VINASAT-2 mở rộng vùng phủ hơn với việc phủ sóng cả một phần Malaysia và Myanmar.
Việc phóng vệ tinh VINASAT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn chỉnh hệ thống viễn thông Việt Nam, khi trước đó đã có thông tin vô tuyến, thông tin hữu tuyến, thông tin mặt đất, thông tin mặt biển và nay có thêm vệ tinh viễn thông. Nó có tác dụng chủ động trong việc kết nối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo mà trước đó nước ta không thể thực hiện được bằng các hệ thống thông tin mặt đất. Vệ tinh này sẽ giúp Việt Nam chủ động được trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt là các nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo và trên biển. Cuối cùng, việc phóng VINASAT cũng giúp chúng ta khẳng định được chủ quyền về quỹ đạo vệ tinh, về tần số vô tuyến điện.
Thị trường dung lượng vệ tinh có sự cạnh tranh gay gắt về giá của các nhà khai thác trong khu vực, những khó khăn thách thức của kinh tế trong nước và với tính chất kinh doanh đặc thù, phụ thuộc rất nhiều vào đường lối chính trị của các quốc gia nằm trong vùng phủ sóng của hệ thống vệ tinh VINASAT.