Theo CNBC, SK Telecom (SKT), một trong những nhà mạng lớn nhất Hàn Quốc, đang lên kế hoạch ra mắt hoàn toàn chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) của riêng mình có tên "A.", phát âm là "A dot". Công ty đã tung ra phiên bản beta của "A." ở Hàn Quốc vào tháng 5/2022. Chatbot này dựa trên AI tổng quát, công nghệ đứng sau ChatGPT của OpenAI.
Phó chủ tịch SKT Eric Davis, người phụ trách công việc liên quan đến "A.", cho biết công ty sẽ ra mắt phiên bản đầy đủ tại Hàn Quốc trong năm nay, đồng thời nhấn mạnh chatbot mới sẽ rất khác so với ChatGPT.
"Nó giống như bạn đang trò chuyện với một người bạn, nơi bạn có thể giải quyết những vấn đề gặp phải trong cuộc sống hằng ngày", ông Davis nói với CNBC hôm 1/3 tại sự kiện di động Mobile World Congress tổ chức ở Barcelona, Tây Ban Nha.
Được biết, SKT đã phát triển "A." trong khoảng một năm rưỡi. Chatbot này được xây dựng nội bộ tại công ty trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), mô hình AI được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ để có thể trò chuyện bằng ngôn ngữ tự nhiên. Đây là công nghệ tương tự như công nghệ đằng sau ChatGPT. Tuy nhiên, ông Davis muốn định vị "A." là "siêu ứng dụng", một sản phẩm rất khác với ChatGPT. Nguyên nhân là do SKT sở hữu nhiều dịch vụ khác nhau, từ phát nhạc trực tuyến đến thương mại điện tử và ứng dụng thanh toán, tất cả dịch vụ này đều đang được tích hợp chatbot.
"Siêu ứng dụng" là khái niệm được tiên phong bởi những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, ví dụ như Tencent với dịch vụ nhắn tin WeChat. Nó được phát triển dựa theo ý tưởng là một người chỉ cần một ứng dụng và một số dịch vụ của bên thứ ba vốn có thể truy cập được thông qua ứng dụng đó. Tại Trung Quốc, WeChat được dùng cho mọi thứ, từ đặt phòng cho đến thanh toán. Hiện siêu ứng dụng chỉ phổ biến tại Trung Quốc và một số nơi ở châu Á, chưa phát triển ở châu Âu và Mỹ.
Theo ông Davis, kế hoạch sắp tới của SKT là tích hợp "rất nhiều dịch vụ của bên thứ ba" vào "A.". "ChatGPT rất tuyệt. Bạn biết đấy, nó trả lời câu hỏi của bạn, nhưng nó không làm được bất kỳ điều gì mà chúng tôi đã làm ở "A.". Nó không kết nối bạn với các dịch vụ bên ngoài, nó không có bất kỳ cá nhân hóa nào, còn chúng tôi nỗ lực có ý thức để tìm hiểu về người dùng của mình", ông Davis nói.
"A." hiện chỉ có sẵn tiếng Hàn. SKT đang trong giai đoạn đầu khám phá việc ra mắt dịch vụ quốc tế. Trong những năm gần đây, SKT đã tìm cách đa dạng hóa ngoài hoạt động kinh doanh viễn thông cốt lõi. Công ty có kế hoạch ra mắt dịch vụ taxi bay vào năm 2025. Theo CNBC, hãng chip AI Sapeon do SKT đứng sau hỗ trợ cũng đang tìm kiếm mức định giá 400 triệu USD.