Chính quyền Tổng thống Joe Biden có kế hoạch trong tháng 10 tới sẽ công bố quy định thắt chặt kiểm soát xuất khẩu để hạn chế việc bán một số chip AI cho Trung Quốc, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại việc bán sản phẩm này cho đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng.
Tháng 10/2022, Mỹ đã ban hành một loạt quy định nhằm vào lĩnh vực chip của Trung Quốc, trong khi Mỹ bơm hàng tỷ USD tiền hỗ trợ tại nước này.
Theo đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ, dự kiến vào tháng 7 tới, nước này sẽ xem xét lại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để thắt chặt hơn nữa việc bán một số loại chip cho Trung Quốc không cần giấy phép. Động thái này một phần nhằm vào chip A800 của Nvidia có trụ sở tại Mỹ.
Hồi tháng 9/2022, các quan chức Mỹ đã yêu cầu Nvidia dừng xuất khẩu hai loại chip máy tính hàng đầu dành cho công việc liên quan đến AI sang Trung Quốc, Nvidia sau đó đã cung cấp chip A800 cho Trung Quốc để đáp ứng các quy định về kiểm soát xuất khẩu.
Các hạn chế mới mà Mỹ đang xem xét sẽ cấm bán chip được thiết kế cho các khách hàng Trung Quốc mà không cần giấy phép xuất khẩu đặc biệt.
Giám đốc tài chính của Nvidia, Colette Kress, cho biết công ty đã biết việc sẽ thắt chặt hơn các hạn chế.
Việc này sẽ không có ảnh hưởng về tài chính ngay lập tức nhưng những hạn chế có thể ảnh hưởng đến các kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của công ty trong tương lai, trong khi làm mất đi cơ hội cạnh tranh và dẫn đầu của Mỹ trên một trong những thị trường lớn nhất thế giới.
Động thái này cũng cho thấy rõ quyết tâm của chính quyền Biden trong việc ngăn chặn sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc và có thể làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Hiện chưa rõ thông báo này có bao gồm việc gia hạn giấy phép chung cho các công ty Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hay không. Tháng 10 năm ngoái, Samsung Electronics Co, SK Hynix Inc. và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. đã nhận được quyền miễn trừ 1 năm đối với các hạn chế và đã yêu cầu Nhà Trắng gia hạn thêm ít nhất 1 năm nữa.
Trong khi đó, Apple Inc hồi tháng 5/2023 cho biết, họ đã ký một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD với nhà sản xuất chip Broadcom Inc để sử dụng chip sản xuất tại Mỹ.
Theo thỏa thuận kéo dài nhiều năm này, Broadcom sẽ phát triển các thành phần phụ trách phát tần số vô tuyến 5G với Apple. Thông báo từ Apple cho biết, các thành phần này sẽ được thiết kế và chế tạo tại một số cơ sở tại Mỹ, bao gồm Fort Collins tại bang Colorado, nơi Broadcom có một nhà máy lớn.
Apple cho biết, họ sẽ cùng Broadcom sản xuất chip cộng hưởng âm thanh FBAR. Đây là một phần của hệ thống tần số vô tuyến giúp iPhone và các thiết bị khác của Apple kết nối với mạng dữ liệu di động.
Hai công ty không tiết lộ quy mô của thỏa thuận. Broadcom chỉ nói rằng các thỏa thuận mới yêu cầu họ phân bổ cho Apple "đủ năng lực chế tạo cùng các nguồn lực khác để sản xuất những sản phẩm này".
CEO Tim Cook của Apple cho biết, trong một tuyên bố rằng tất cả các sản phẩm của Apple đều phụ thuộc vào công nghệ được thiết kế và chế tạo tại Mỹ. Ông cam kết sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào nền kinh tế vì Apple “có niềm tin không thể lay chuyển vào tương lai của nước Mỹ”.
Broadcom và Apple trước đây đã có một thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD kéo dài trong ba năm. Nhà phân tích Stacy Rasgon thuộc công ty quản lý đầu tư Bernstein cho hay, thỏa thuận trên sẽ hết hạn vào tháng Sáu này.
Ông nhận định những diễn biến mới nêu trên mang tính tích cực đối với Broadcom, mặc dù thực tế là hai công ty không đưa ra khung thời gian cho thỏa thuận này.
Apple đã liên tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, sản xuất nhiều sản phẩm hơn ở Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời cho biết họ sẽ lấy nguồn chip từ một nhà máy mới của công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) TSMC đang được xây dựng ở Arizona.
Trong khi đó, tập đoàn công nghệ Nvidia của Mỹ ngày 30/5 đã xuyên thủng mốc 1.000 tỷ USD về giá trị thị trường, trở thành nhà sản xuất chip đầu tiên gia nhập "câu lạc bộ 1.000 tỷ USD". TSMC, công ty sản xuất chip lớn thứ hai trên toàn cầu, được định giá ở mức 535 tỷ USD.
Meta Platforms Inc được định giá ở mức 670 tỷ USD, sau khi đạt 1.000 tỷ USD trong năm 2021, trong khi Apple Inc, Alphabet Inc, Microsoft Corp và Amazon.com Inc là những công ty khác của Mỹ nằm trong "câu lạc bộ nghìn tỷ USD".
Trí tuệ nhân tạo (AI) thu hút sự chú ý sau khi Nvidia, nhà sản xuất chip AI và trò chơi, gây bất ngờ cho các nhà đầu tư với dự báo doanh thu được đưa ra gần đây vượt 50% so với nhận định của giới phân tích.
Theo các chuyên gia phân tích, ngành bán dẫn vừa trải qua một quý đầu tiên của năm 2023 ảm đạm khi nhu cầu chip sụt giảm mạnh.
Intel ngày 27/4 cho biết, doanh thu giảm 36% trong quý I xuống 11,7 tỷ USD vì nhu cầu bán dẫn sụt giảm, nhất là các sản phẩm chip cho máy tính. Đặc biệt, “ông lớn” này còn bị lỗ 2,8 tỷ USD trong quý vừa qua, mức lỗ theo quý lớn nhất từ trước đến nay.
Ông Alan Priestley, chuyên gia phân tích của công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner, cho biết Intel phụ thuộc rất nhiều vào thị trường máy tính, nên khi thị trường này chậm lại, Intel cũng sẽ gặp nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, Intel cũng bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm trong nhu cầu đối với các loại chip dùng cho các trung tâm dữ liệu. Công ty này cũng đang cạnh tranh với Nvidia trong mảng bán dẫn hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) theo kiểu như công cụ ChatGPT. AI tạo sinh là một lĩnh vực mới cần rất nhiều sản phẩm bán dẫn.
Giá tăng, nguồn cung chip dư thừa trên toàn cầu và nhu cầu phần cứng yếu cũng ảnh hưởng đối đối thủ của Intel là Samsung Electronics, với mảng chip ghi nhận khoản lỗ 4.580 tỷ won (746 tỷ USD) trong quý I. Đây là lần đầu tiên “ông lớn” này bị lỗ hoạt động kinh doanh kể từ năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Khác với hai Intel và Samsung, TSMC lại tỏ ra vững vàng hơn với doanh thu tăng và lợi nhuận ổn định trong quý I, dù TSMC cảnh báo doanh thu có thể sụt giảm trong năm nay.
Sở dĩ TSMC có sức đề kháng tốt hơn trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện này là vì “ông lớn” này sản xuất một số loại chip thuộc dạng nhỏ và hiện đại nhất, mà nhu cầu các loại chip này vẫn đang cao trong khu nguồn cung thiếu hụt.
Ngành chip nổi bật với tính chất dễ biến động, khi cung và cầu trên thị trường này thường trồi sụt theo sự tăng giảm của nền kinh tế thế giới. Vai trò trung tâm của chip trong chuỗi cung ứng toàn cầu được thể hiện rõ nét trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19.
Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã làm gián đoạn nguồn cung chip từ châu Á, khiến cho nhu cầu chip - ở thời điểm đó đang tăng mạnh trước xu hướng làm việc, mua sắm và giải trí trực tuyến - không được đáp ứng.