Internet cáp quang có thể thay thế bởi mạng 5G

Internet cáp quang có thể thay thế bởi mạng 5G
Mạng dữ liệu di động 5G mở ra tiềm năng thay thế mô hình internet cố định tại gia đình hiện nay nhờ hiệu quả cao hơn.

5G FWA (Fixed Wireless Access - Truy cập không dây cố định) được xem như giải pháp sử dụng mạng 5G tại gia là loại hình kết nối giao thoa giữa internet di động và cố định. Tại thị trường châu Âu, Trung Đông, châu Phi, một số nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) đã ứng dụng và đạt được kết quả nổi bật so với mô hình kết nối cũ. Tính đến cuối năm 2022, có 95 nhà mạng triển khai thương mại 5G FWA cho hơn 10 triệu hộ gia đình.

internet-cap-quang.jpg

FWA được dự báo sẽ tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái cho giai đoạn 2022 - 2028 và đạt 300 triệu kết nối vào cuối năm 2028. Hơn ba phần tư các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông (CSP) được khảo sát tại hơn 100 quốc gia hiện cung cấp dịch vụ FWA. Gần một phần ba CSP đang cung cấp FWA trên 5G, so với 1/5 của một năm trước. Gần 40% FWA 5G mới ra mắt trong 12 tháng qua là ở các thị trường mới nổi.

Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông tại hội nghị 5G Business Success Summit bên lề sự kiện MWC 2023 (từ ngày 27/2 tới 2/3/2023 ở Tây Ban Nha), 5G FWWA là một trong 3 ứng dụng của công nghệ mạng này, cùng với 5G tùy biến cho người dùng và mạng riêng 5G (cho doanh nghiệp) để các nhà mạng khai khác thương mại. Ông Peng Song, Chủ tịch Chiến lược và Tiếp thị thị trường ICT của Huawei nhận định giải pháp này có ưu điểm triển khai nhanh, trải nghiệm tốt trong khi chi phí thấp và hiệu quả năng lượng mang lại cao.

Thị trường nội địa trở thành nơi để các nhà mạng có thể tạo ra nhiều giá trị hơn khi 5G và cáp quang ngày càng dễ tiếp cận. "Các dịch vụ băng thông rộng cao cấp tại địa phương như 5G FWA và 10G PON được mở rộng nhanh hơn dự kiến, giúp các nhà mạng ở châu Âu và Trung Đông tăng doanh thu trung bình trên mỗi khách hàng (ARPU) từ 30% đến 60%", ông Li Peng - Chủ tịch Nhóm Kinh doanh Hạ tầng Viễn thông Huawei nói.

Trước đây từng có giải pháp internet không dây mang tên WiMAX nhưng giờ xem như thất bại bởi đòi hỏi cơ sở hạ tầng mới, nhiều thiết bị độc quyền, chi phí cao. Ngược lại, 5G FWA hoạt động trên kết nối 5G mmWave đã được chuẩn hóa, sử dụng nhiều thành phần kết nối di động phổ biến để mang đến tốc độ cao.

Tại Việt Nam, 5G chưa đi vào thương mại hóa và phổ cập, nhưng theo Hiệp hội di động GSMA, tính hết năm 2022 trên thế giới đã có hơn 1 tỉ người dùng 5G, trên 240 mạng 5G thương hoại hóa và khoảng 1.700 thiết bị đầu cuối khác nhau.

Cũng tại MWC 2023, nhiều doanh nghiệp viễn thông đã trình làng những công nghệ mới cho kết nối 5G, trong đó có mạng 5.5G với tốc độ tải lên đến 10 Gbps, giảm độ trễ xuống 10 lần so với hiện tại, tăng hiệu suất sử dụng năng lượng. "Điều này có nghĩa là tốc độ mạng hiện hữu sẽ phải phát triển lên tốc độ 10 Gbps phổ biến của 5G, ngành ICT sẽ phải chuyển trọng tâm từ tiêu thụ năng lượng sang sử dụng năng lượng hiệu quả. Và sự phát triển từ 5G lên 5.5G sẽ là chìa khóa để đáp ứng các yêu cầu này", ông Li Peng nhấn mạnh.

Đến cuối năm 2028, dự báo có 5 tỉ thuê bao 5G trên toàn cầu, chiếm 55% tổng số thuê bao. Trong cùng khung thời gian đó, phạm vi phủ sóng 5G dự kiến sẽ đạt 85% trong khi mạng 5G dự kiến sẽ chiếm khoảng 70% lưu lượng truy cập di động và chiếm toàn bộ mức tăng trưởng lưu lượng truy cập hiện tại.

Có thể bạn quan tâm