Dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, cùng lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan và lãnh đạo sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, điểm qua loạt lợi ích mang lại từ Cải cách Hành chính, Chuyển đổi Số, Đề án 06 của Hà Nội và cả nước, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết cuộc họp trước với thành phố Hà Nội diễn ra vào tháng 2/2023 còn nhiều băn khoăn. Nhưng với quyết tâm chính trị lớn, sự vào cuộc đồng bộ, thành phố Hà Nội đã có những kết quả tích cực. 44/65 những vấn đề khó khăn đã được giải quyết trong thời gian ngắn.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng lưu ý các vấn đề pháp lý, hạ tầng, dữ liệu, con người, công nghệ… và nêu rõ, đây là những vấn đề có độ mở lớn, thành phố Hà Nội cần chủ động, không phải thuần túy theo khuôn mẫu, cần sáng tạo, linh hoạt trên nền tảng cơ bản.
Nhấn mạnh việc giữ niềm tin của người dân với xã hội là vô cùng quan trọng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý việc cung cấp thông tin phải chính xác, đảm bảo đúng thời hạn để người dân thực hiện.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn đã nhận thức đúng đắn về Cải cách Hành chính, Chuyển đổi Số và Đề án 06.
Các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp đã hiểu rõ về tầm quan trọng của Cơ sở Dữ liệu Quốc gia; việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được quan tâm, đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ.
Dịch vụ công trực tuyến được thành phố tập trung đẩy mạnh, trong đó đã xác định được hơn 1.200 thủ tục hành chính đủ điều kiện tái cấu trúc, xây dựng dịch vụ công trực tuyến toàn trình/một phần. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thực hiện theo quy định.
Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện Cải cách Hành chính, Chuyển đổi Số và Đề án 06 một cách tổng thể, toàn diện nhưng sẽ ưu tiên chất lượng hơn số lượng; ưu tiên phát triển dữ liệu; ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, đặc biệt là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực.
Thêm vào đó, thành phố huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp; tổ chức triển khai 3 trụ cột: Cải cách Hành chính-Chuyển đổi Số-Đề án 06 tại từng sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp...
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2023, công tác Cải cách Hành chính, Chuyển đổi Số được Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, Hà Nội là một trong các tỉnh, thành phố đầu tiên đảm bảo đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến Chuyển đổi Số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số Chuyển đổi Số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021.
Đối với việc thực hiện Đề án 06, các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ đã xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ theo quy định; tích cực, chủ động phối hợp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án.
100% Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo 06 và Tổ Công tác 06; toàn thành phố có 5.857 Ban Chỉ đạo, Tổ Công tác thực hiện Đề án 06 để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở; trong đó lực lượng Công an với vai trò nòng cốt, thường trực tham mưu triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố.
Kết quả, thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06. Ngoài ra, Hà Nội hiện có 4.734.188 người có thẻ Bảo hiểm y tế được đồng bộ, xác thực dữ liệu với căn cước công dân, có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám chữa bệnh.
100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ Bảo hiểm y tế; 1.142.934 lượt công dân sử dụng căn cước công dân để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Tính đến ngày 28/6, toàn thành phố đã kích hoạt 4.220.601/6.220.864 tài khoản định danh điện tử, đạt 67,8%.
Dịp này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tặng Bằng khen cho 24 tập thể, 79 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nhiệm vụ Cải cách Hành chính, Chuyển đổi Số và Đề án 06 thời gian qua.