Ngoài cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, năm 2024 cũng là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng, chẳng hạn như bầu cử quốc gia tại Ấn Độ - quốc gia đông dân hàng đầu thế giới, cũng như tại Nam Phi và một số quốc gia khác.
Đại diện Google cho hay, họ sẽ “tập trung nhiều hơn vào vai trò trí tuệ nhân tạo có thể đóng góp cho cử tri và các chiến dịch tranh cử có liên quan”.
Trước đó, vào tháng 11, Meta - công ty mẹ Facebook thông báo cấm các chiến dịch truyền thông mang tính chính trị, cũng như các nhà tiếp thị trong một số lĩnh vực do nhà nước quản lý, sử dụng các sản phẩm quảng cáo do AI tạo ra.
Theo đó, các nhà tiếp thị trên nền tảng Facebook và Instagram phải minh bạch thông tin khi sử dụng AI hay các phương pháp kỹ thuật số khác để tạo ra các quảng cáo chính trị - xã hội hay bầu cử.
Trong khi đó, vào tháng 8, mạng xã hội X (tiền thân là Twitter), lại cho phép các ứng viên và đảng phái chính trị tại Mỹ chạy chiến dịch tranh cử trên nền tảng.
Công ty này cho hay, sẽ mở rộng đội ngũ tuân thủ và kiểm duyệt nội dung liên quan đến cuộc bầu cử. Trước khi thuộc về sở hữu của Elon Musk, Twitter đã cấm toàn bộ hoạt động chạy đua chính trị trên nền tảng kể từ năm 2019.
Thông tin sai lệch đang là vấn đề nóng với chính phủ các nước. Ngày càng nhiều quốc gia kêu gọi nỗ lực chung quản lý AI trước những rủi ro hiện hữu.
Tại châu Âu, các gã khổng lồ công nghệ sẽ phải dán nhãn đối với tiếp thị chính trị trên nền tảng, đồng thời minh bạch thông tin ai đã trả tiền cho quảng cáo đó, số tiền cụ thể cũng như cuộc bầu cử nào đang được nhắm mục tiêu.