Chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz có kế hoạch chi 20 tỷ euro (22 tỷ USD) để thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn ở Đức nhằm hỗ trợ lĩnh vực công nghệ của nước này và đảm bảo nguồn cung các thành phần quan trọng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Một số nguồn giấu tên cho biết số tiền trên sẽ được phân phối cho các công ty Đức và quốc tế vào năm 2027. Tiền được rút từ Quỹ chống Biến đổi khí hậu (KTF).
KTF là quỹ nằm ngoài ngân sách, ban đầu được thành lập để đầu tư vào quá trình khử carbon của nền kinh tế, nhưng phạm vi tài trợ của quỹ đã gia tăng trong bối cảnh Chính phủ Đức nỗ lực hạn chế chi tiêu thường xuyên.
Các nhà sản xuất ôtô và một số ngành khác của Đức đã phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn, vốn rơi vào tình trạng thiếu trầm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, chính điều này mở ra một động lực mới nhằm mở rộng sản xuất chất hiếm này ở trong nước.
Kế hoạch viện trợ lớn cho ngành sản xuất chip diễn ra trong bối cảnh Đức nhận thức ngày càng rõ hơn về sự phụ thuộc của nền kinh tế châu Âu vào nguồn cung từ châu Á, đặc biệt thời gian gián đoạn do COVID-19 và căng thẳng bởi cuộc chiến Nga-Ukraine.
Đầu tháng này, Chính phủ Đức đã cam kết trong chiến lược đối với Trung Quốc, rằng sẽ cố giảm sự phụ thuộc bằng cách đa dạng hóa và thu hút các công nghệ tương lai.
Hiện Chính phủ Đức đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng với TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, để đầu tư vào một nhà máy ở Dresden, miền Đông nước Đức.
Trước đó, ngày 11/7, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng riêng chip bán dẫn của khối.
Đây là một mục tiêu chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung của châu Á.
Với 587 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Nghị viện đã thông qua sáng kiến mang tên Đạo luật chip EU.
EU đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần thị phần toàn cầu của EU về chất bán dẫn lên 20% vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu tham vọng này, EU sẽ phải huy động khoản đầu tư công và tư trị giá 43 tỷ euro (47 tỷ USD).