Dự kiến tắt sóng 2G để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia

Dự kiến tắt sóng 2G để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia
Lượng người sử dụng sóng di động 2G còn quá thấp nên việc tắt công nghệ này sẽ giúp phổ cập smartphone, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

tat-song-2g.jpg

Kế hoạch tắt sóng 2G từng được Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập vào cuối năm 2021. Theo dự kiến vào năm 2023, lượng thuê bao di động sử dụng mạng 2G tại Việt Nam sẽ giảm còn khoảng 5%, cũng là thời điểm để tiến hành tắt sóng. Các thuê bao 2G ở thời điểm đó sẽ được nhà mạng hỗ trợ điện thoại cầm tay khác để sử dụng nền mạng tiên tiến hơn.

Việc phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh tới từng người dân là một trong những mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc tắt sóng 2G vào năm 2023 sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu trên khi nâng tỷ lệ người dân sử dụng smartphone, tham gia sâu hơn vào các dịch vụ số.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội Viettel Tào Đức Thắng cho biết quyết định tắt sóng 2G phụ thuộc vào chiến lược của Bộ, nhu cầu khách hàng cũng như chiến lược của doanh nghiệp. "Cần giải quyết hài hòa, tối ưu cho cả ba bên để đảm bảo quyền lợi khách hàng, hiệu quả của nhà mạng, đồng thời đáp ứng chiến lược phát triển của đất nước", ông Thắng cho hay.

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy tỷ lệ người dùng smartphone tại Việt Nam đã đạt 88%, tới cuối năm nếu số thuê bao 2G còn 5% sẽ là thời điểm thuận lợi để dừng công nghệ mạng này. Từ đầu năm 2022, MobiFone và VinaPhone đã thí điểm tắt sóng 2G tại một số khu vực thành phố tại tỉnh Lạng Sơn. Kết quả thu được cho thấy việc không còn kết nối 2G không gây gián đoạn liên lạc, nguyên nhân bởi hầu hết người dân đã sử dụng smartphone. Những mẫu điện thoại cơ bản bán trên thị trường gần đây cũng hỗ trợ thế hệ mạng 3G.

Đại diện MobiFone đánh giá mạng 2G đã lỗi thời và cần cắt bớt theo từng giai đoạn để giải phóng tài nguyên (băng tần di động) cho các công nghệ mới nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn, đồng thời đảm bảo nguồn lực cho những công nghệ tiên tiến.

Vấn đề đặt ra là sau khi tắt 2G thì các băng tần 900 MHz, 1.800 MHz đang dành cho công nghệ này sẽ được tiếp quản và sử dụng ra sao. Hiện nay, băng tần 1.800 MHz đang được "chia sẻ" cho mạng 4G - một trong những lý do khiến công nghệ này chưa thể đạt tốc độ thiết kế. Nếu 4G được sử dụng toàn bộ băng tần 1.800 MHz, tốc độ mạng dự kiến tăng thêm khoảng 25%.

Trên thế giới, châu Á đang tiên phong dừng mạng 2G. Công nghệ này không còn khả dụng ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Macao, Singapore và Hàn Quốc. Trong khi đó, Đài Loan và Thái Lan đã thông báo về kế hoạch sớm tắt 2G. Tại Ấn Độ, nhà mạng Rcom dừng mạng 2G/3G từ năm 2017.

Có thể bạn quan tâm