Sau đại dịch Covid – 19, làm việc từ xa đang dần trở nên phổ biến và trở thành xu hướng mới. Tuy nhiên, đi kèm đó là nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin khi tính bảo mật của các giao thức kết nối từ xa tiềm ẩn nhiều rủi ro không lường trước.
Xu hướng làm việc từ xa khiến gia tăng rủi ro an ninh mạng
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi môi trường và phương pháp làm việc theo cách chưa từng có, đưa phương thức làm việc từ xa và làm việc kết hợp (hybrid) trở thành xu hướng tất yếu của tương lai. Một khảo sát toàn cầu của PwC về “Tương lai của làm việc từ xa” năm 2020 đã chỉ ra rằng 80% doanh nghiệp tin rằng việc áp dụng hình thức làm việc này là chuẩn mực mới của thị trường lao động. Một bài đăng dự báo 4 xu hướng làm việc chính trong năm 2023 đăng trên tạp chí Forbes nhận định: các hình thức làm việc tại nhà, từ xa và kết hợp (hybrid) dần trở thành một tiêu chuẩn mới, ít nhất là đối với giới trí thức.
Cùng với xu hướng mới, Forbes đồng thời chỉ ra thách thức các doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh mới. Cụ thể, công ty cần nắm bắt và xử lý vấn đề về bảo mật khi một lượng lớn nhân viên kết nối vào mạng lưới công ty qua nhiều thiết bị và giao thức khác nhau với nhiều rủi ro không lường trước từ các thiết bị cá nhân.
Thực tế, các cuộc tấn công mạng nhắm tới các phương tiện, công cụ hỗ trợ làm việc từ xa đang gia tăng và khó đối phó hơn. Theo Báo cáo Tình hình an toàn thông tin quý 3 năm 2022 của Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security – VCS), số lượng lỗ hổng ghi nhận trên thế giới đã tăng 6,2% so với cùng kỳ. Số lượng lỗ hổng mức trung bình và cao chiếm tới hơn 80%, ảnh hưởng tới các sản phẩm phổ biến như email server, quản lý và lưu trữ email cho doanh nghiệp.
Các giải pháp truy cập từ xa truyền thống như VPN còn tồn tại nhiều điểm yếu, khó kiểm soát các chính sách an toàn thông tin trên thiết bị người dùng, dẫn đến thiếu độ tin cậy của phiên kết nối, làm gia tăng nguy cơ tấn công mạng vào mạng nội bộ của doanh nghiệp thông qua các thiết bị đầu cuối của người dùng. Với mong muốn xóa bỏ hạn chế của mô hình truyền thống, đồng thời giúp doanh nghiệp thích nghi với xu hướng của tương lai, Công ty An ninh mạng Viettel đã nghiên cứu và phát triển giải pháp làm việc từ xa an toàn - Viettel Enterprise Mobility Suite (VCS M-Suite). VCS M-Suite không chỉ giúp doanh nghiệp triển khai mô hình làm việc từ xa mà còn đảm bảo an toàn bảo mật vượt trội nhờ những áp dụng công nghệ tiên tiến nhất.
An tâm phá bỏ rào cản khi kết nối từ xa với VCS M-Suite
Khác với các giải pháp truy cập từ xa thông thường, VCS M-Suite được xây dựng dựa trên kiến trúc bảo mật Zero-Trust với các nguyên tắc cơ bản: Không tin tưởng, luôn xác minh. Muốn truy cập thì phải chứng minh: đúng người, đúng thiết bị, thiết bị an toàn, phiên truy cập đủ tin cậy. VCS M-Suite hỗ trợ tối đa cho người dùng trong quá trình kết nối làm việc từ xa an toàn và chuyên nghiệp.
Những doanh nghiệp sử dụng giải pháp VCS M-Suite rất đa dạng: từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cho tới các tập đoàn đầu ngành. Điển hình có thể kể tới một tập đoàn đầu ngành (Tập đoàn) với khoảng 6.000 người dùng hoạt động trung bình và 50.000 giờ làm việc mỗi ngày qua VCS M-Suite. Giải pháp của VCS giúp Tập đoàn đảm bảo quá trình vận hành liên tục, doanh thu không bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh.
Khi hệ thống tích hợp giải pháp VCS M-Suite, chỉ các thiết bị được phê duyệt, đã đảm bảo đủ các tiêu chuẩn an toàn thông tin công ty yêu cầu mới được phép truy cập vào hệ thống nội bộ. Đây là bước kiểm soát đầu tiên đối với nguy cơ bị tấn công bởi những thiết bị có bảo mật kém.
Không chỉ quản lý truy cập của thiết bị, VCS M-Suite còn kiểm soát cả người dùng đăng nhập vào hệ thống dữ liệu công ty. Mỗi tài khoản đều phải xác thực và không phát hiện bất thường mới được phép truy cập vào hệ thống. Thêm vào đó, hệ thống còn liên tục đánh giá mức độ an toàn phiên truy cập của người dùng, nếu phát hiện bất thường, mất an toàn thông tin thì sẽ ngắt kết nối.
Để bảo vệ dữ liệu doanh nghiệp hiệu quả, VCS M-Suite cho phép thiết lập các chính sách đảm bảo người dùng chỉ truy cập vào các tài nguyên tối thiểu, đủ để phục vụ công việc. Đây là phương thức chia vùng quản lý, hạn chế tối đa tổn thất dữ liệu nếu tài khoản người dùng bị tấn công. Ngoài ra, một đặc điểm nổi bật của VCS M-Suite so với các hệ thống khác là hỗ trợ đa nền tảng và các giao thức kết nối khác nhau.
Dựa trên giải pháp VCS M-Suite, Tập đoàn đã thành công mở rộng khu vực hoạt động của các nhân viên bán hàng một cách nhanh chóng tại các vùng sâu, vùng xa. Bài toán mà trước đây gặp rất nhiều khó khăn vì phải kéo đường truyền riêng mới có thể truy cập vào hệ thống nội bộ.
Với tính năng vượt trội, triển khai giải pháp làm việc từ xa VCS M-Suite sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng mở rộng mô hình hoạt động, tiết kiệm chi phí, làm việc thuận tiện. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu và tối ưu lợi nhuận.