Chuyển đổi số: Cơ hội hợp tác khu vực và châu lục

Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế và kết nối giữa các Hiệp hội, các doanh nghiệp… để khai thác cơ hội trong lĩnh vực chuyển đổi số nói riêng và công nghệ nói chung. Đây là nội dung chính của Hội nghị Quốc tế Xuất khẩu Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2023, diễn ra ngày 24/5/2023 tại Hà Nội.

Hội nghị Quốc tế Xuất khẩu Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2023 là phiên quan trọng trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2023” với chủ đề “Chuyển đổi số tại Việt Nam, Châu Á và các cơ hội hợp tác”. Đây cũng là một hoạt động trong chương trình Cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức.

Tham dự Hội nghị, có ông Brian Shen - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Điện toán Châu Á – Châu Đại Dương (ASOCIO), ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng gần 250 đại biểu trong nước và quốc tế, trong đó có gần 40 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia và nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Đài Loan – Trung Quốc,...

DX Day 2023

Gia tăng kết nối để mở rộng hợp tác

Trong bài tham luận tại Hội nghị với tiêu đề “Tổng quan ngành CNTT Việt Nam và các cơ hội hợp tác”, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã chia sẻ về Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Chương trình đưa ra định hướng và các mục tiêu cụ thể của 3 trụ cột chính: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Cùng đó, nguồn nhân lực ICT cũng là một trong những trọng điểm ưu tiên đầu tư, với mức độ ngày càng nâng cao của chương trình đào tạo và xếp hạng của Việt Nam trên trường quốc tế về lĩnh vực công nghệ số. Ông Tuyên khẳng định với sự định hướng rõ ràng từ Lãnh đạo Chính phủ và nội tại bền vững của khối doanh nghiệp, nền CNTT Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để vươn ra khu vực và toàn thế giới, trở thành đối tác tin cậy toàn cầu.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - cũng nhấn mạnh về sự quan tâm, ủng hộ và đầu tư của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia, định hướng kinh tế số là một trong ba trụ cột lớn để tập trung phát triển. Nhờ đó, các doanh nghiệp CNTT đã có những bước chuyển mình rõ rệt trong những năm vừa qua, các sản phẩm, dịch vụ ngày càng được đầu tư một cách bài bản, được đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, việc hợp lực với các quốc gia và nền kinh tế trong khu vực nhằm phát huy tối đa thế mạnh và tạo dựng đối tác tiềm năng vẫn chưa thực sự đạt những kết quả đáng mong đợi.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị Quốc tế Xuất khẩu Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2023 đưa ra chủ đề “Chuyển đổi số tại Việt Nam, Châu Á và các cơ hội hợp tác” nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế được tiếp cận, cập nhật các thông tin mới nhất về tiến trình chuyển đổi số tại các quốc gia Châu Á, học hỏi các kinh nghiệm tiên tiến và kết nối hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực này.

Ông Brian Shen - Chủ tịch ASOCIO – đánh giá Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng, với nhiều thế mạnh về nguồn nhân lực, công nghệ và đặc biệt là sự ủng hộ, đầu tư của Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số. Ông cũng đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam với không chỉ các công ty lâu năm và có tiềm lực công nghệ lớn, mà còn cả hệ sinh thái khởi nghiệp đầy năng động sáng tạo. Chủ tịch ASOCIO nhấn mạnh với các đại biểu quốc tế: “Đây là một thị trường nên tập trung khai khác và hợp tác”, đồng thời khẳng định đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp của ASOCIO sẽ tìm hiểu và kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu giải pháp và tạo lập mối quan hệ đối tác trong thời gian tới.

Tích cực học hỏi kinh nghiệm quốc tế, phát huy các thế mạnh nội tại

Nguồn nhân lực trẻ dồi dào và sức sáng tạo là chìa khóa chính tạo nên sức mạnh của ngành CNTT Việt Nam. Khẳng định điều này, ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT - có bài tham luận về chủ đề “Nguồn nhân lực CNTT Việt Nam có trình độ cao cho Hợp tác Quốc tế” tại Hội nghị.

Bài tham luận đã trình bày những mô hình mới trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho thị trường CNTT trong nước và quốc tế cũng như chỉ ra những cách thức tối ưu hóa chất lượng nhân sự trong thời đại mới.

Phần tọa đàm của Hội nghị mang chủ đề “Hợp tác CNTT giữa Việt Nam và các nền kinh tế Châu Á” do bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA – điều phối, với khách mời là các diễn giả đến từ các Hiệp hội CNTT của Malaysia, Đài Loan - Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Ấn Độ. Các chủ đề chính được đưa ra thảo luận bao gồm: đóng góp những sáng kiến để phát huy hết sức mạnh của nền công nghiệp số, làm sao để các nền kinh tế có thể hợp lực để phát triển ngành CNTT…

Trong đó, các diễn giả đã chia sẻ về bức tranh tổng quát tình hình chuyển đổi số tại các nền kinh tế, các thế mạnh, kinh nghiệm, case study thành công điển hình… Đặc biệt, các đại biểu đều chỉ ra cơ hội hợp tác trong ngành CNTT với các doanh nghiệp Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng, với nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, giá thành cạnh tranh cùng với sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ, các chính sách ưu đãi về thuế và nơi mở văn phòng, cơ sở hạ tầng hiện đại.

Bên cạnh hội nghị, hội thảo, toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm, sự kiện năm nay còn bao gồm nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, tìm kiếm cơ hội hợp tác như: Chương trình giao thương, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, giải pháp, thăm và làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

Thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam trong 6 tháng qua đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đó, qua kênh Internet tăng 76% về số lượng và 1,79% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng là 65% và 77%; qua phương thức QR Code tăng tương ứng là 152% và 301%...