Nền kinh tế 6 tháng đầu năm phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức cả từ trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với kịch bản đề ra (3,72%)… Tất cả những điều đó đã đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và công tác điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.
Mặc dù ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng tín dụng 6 tháng có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước. Tính đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Phát biểu tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Thời báo Ngân hàng phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức- Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú - chia sẻ, “Trong bối cảnh nền kinh tế ai cũng nhận thấy khó khăn sau hai năm đại dịch và khả năng chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó như thời điểm hiện nay, phải tăng hay giảm lãi suất, cung tiền nhiều hay ít, làm sao để mở rộng tín dụng, tăng chất lượng tín dụng, hay đảm bảo cân đối chung, an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng...
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các bộ, cơ quan quản lý, Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và cả các TCTD đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp. Theo đó, nguyên nhân lớn nhất là hiện các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm...
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đánh giá, thời gian qua ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực tiết kiệm chi phí hoạt động, sẵn sàng giảm lãi suất san sẻ gánh nặng chi phí lãi vay cho doanh nghiệp, quy trình thủ tục cho vay cũng rút gọn; cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Có thể nói việc gì làm được trong khả năng của mình ngành Ngân hàng đều đã thực hiện.
“Mặc dù việc hỗ trợ của ngành Ngân hàng đã làm tốt rồi, nhưng hiện nay có một thực trạng là số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn tương đối nhiều.Theo chúng tôi đánh giá, ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, thì các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, trong khi đó bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai”, ông Thân chia sẻ.
Vị Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng đề xuất, về chiến lược lâu dài: Thứ nhất, Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ cần hỗ trợ nâng tầm DNNVV thông qua nhiều giải pháp như sớm sửa đổi Luật hỗ trợ DNNVV theo hướng từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại năng lực sản xuất nhằm phát triển ổn định, lâu dài, trong đó có việc hỗ trợ các DNNVV tham gia vào 30% các dự án đầu tư công.
Thứ hai, tập trung thực thi có hiệu quả nhóm giải pháp hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững, phát triển chuỗi giá trị.
Thứ ba, cải tổ các Quỹ Bảo lãnh tín dụng và tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý địa phương trong việc hỗ trợ đánh giá, xác nhận tín nhiệm của doanh nghiệp để bảo lãnh cho vay…
Với đồng bộ các giải pháp nêu trên, DNNVV chắc chắn sẽ hấp thụ được vốn tốt hơn và hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ ngày càng phát triển hơn.
Về phía doanh nghiệp, Hiệp hội cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính. Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.
Do vậy, đứng ở cả góc độ của ngân hàng và doanh nghiệp, có thể nói vấn đề cho vay hiện nay không thể bằng ý chí của một bên mà hai bên cùng phải lắng nghe, đứng ở vị trí của nhau và cùng nghiên cứu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tìm ra hướng đi chung. Đây là điểm mấu chốt để người cho vay và người đi vay xích lại gần nhau hơn.
“Để nguồn vốn tín dụng được hấp thụ tốt hơn trong thời gian tới, tôi một lần nữa đề nghị phía Ngân hàng nói riêng và các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu các chính sách và giải pháp hỗ trợ trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp”, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV bày tỏ.