Bộ Tư pháp vừa ban hành kế hoạch chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp năm 2023. Theo đó, Bộ Tư pháp đã xác định việc triển khai Đề án 06 là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp thiết, là một trong những nhiệm vụ chủ chốt để thực hiện việc chuyển đổi số quốc gia và phải được ưu tiên hàng đầu. Do vậy, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản để quyết liệt thực hiện Đề án này.
Đến nay, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã được tổ chức thực hiện hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực: Hạ tầng công nghệ thông tin từng bước được đầu tư, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của Bộ và ngành Tư pháp; các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng được Bộ Tư pháp xây dựng đồng bộ và mang lại hiệu quả rõ rệt.. Bộ Tư pháp hàng năm đều được đánh giá có chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin cao và Cổng thông tin điện tử của Bộ là địa chỉ có số lượng người truy cập lớn mỗi ngày; nguồn nhân lực về công nghệ thông tin được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng.
Đối với mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp: Tính đến nay, tổng số dịch vụ công thực hiện tại Bộ Tư pháp là 70 dịch vụ công, gồm: 57 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Bộ Tư pháp đã kiểm thử thành công và tích hợp 57/70 dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Đối với các mục tiêu phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng: Bộ Tư pháp đã nghiêm túc triển khai thực hiện việc trao đổi văn bản dưới dạng điện tử; đảm bảo vận hành các hệ thống thông tin, dịch vụ, ứng dụng Chính phủ điện tử phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, quản trị, làm việc của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ, ngành Tư pháp trên môi trường điện tử, trực tuyến.
Triển khai Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, từ ngày 01/01/2016, Bộ Tư pháp đã kết nối Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch với Hệ thống cấp số định danh cá nhân của Bộ Công an nhằm cung cấp thông tin đăng ký khai sinh, tiếp nhận số định danh cá nhân. Khi Bộ Công an xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Tư pháp tiếp tục điều chỉnh Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch để kết nối theo mô hình, dịch vụ mới về cung cấp thông tin đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân của CSDLQGDC từ ngày 01/7/2021. Tính đến ngày 30/12/2022, đã cấp hơn 8,2 triệu khai sinh có Số định danh cá nhân. Đồng thời CSDL Hộ tịch đã kết nối với cơ sơ dữ liệu bảo hiểm để liên thông dữ liệu khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đến nay đã liên thông, cấp hơn 4,3 triệu thẻ bảo hiểm y tế.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã xây dựng Quy trình tái cấu trúc các dịch vụ công thiết yếu lĩnh vực hộ tịch. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị, Cục đã hoàn thiện Quy trình, tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hướng dẫn tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn trực tuyến. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ, các địa phương đã ban hành Quyết định tái cấu trúc quy trình đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trực tuyến. Đến nay 63/63 địa phương đã cung cấp dịch vụ công: Đăng ký khai sinh; Đăng ký khai tử; Đăng ký kết hôn trên Cổng dịch vụ công của tỉnh/thành phố kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; 63/63 địa phương triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, trong đó có 30 địa phương đã khai thác sử dụng hiệu quả.
Kế hoạch đặt ra các mục tiêu như 50% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng; 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 85% hồ sơ công việc tại Bộ Tư pháp (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) được xử lý trên môi trường mạng…