Nghiên cứu do Deloitte thực hiện này cho thấy tại các quốc gia trong khu vực CATBD, việc các cá nhân sử dụng dịch vụ công được cung cấp trực tiếp đã giảm xuống một nửa chỉ trong hai năm vừa qua, và 77% người dân hiện nay chủ yếu sử dụng nền tảng số để truy nhập các dịch vụ công.
Tuy nhiên, 67% đối tượng tham gia khảo sát kỳ vọng chất lượng dịch vụ công tương đương với chất lượng dịch vụ do các đơn vị thuộc khu vực tư nhân cung cấp, với 41% người dân gặp khó khăn khi tự truy cập các dịch vụ số do thiếu kỹ năng số cơ bản hoặc hạ tầng số không thích hợp. Khi có thêm 900 triệu người sử dụng internet mới vào năm 2025 ở các nước trong khu vực (Úc, Singapore, Việt Nam, Ấn Độ, Nhật và Hàn Quốc), nhu cầu đầu tư vào các dịch vụ số của chính phủ tiếp tục tăng.
Sylvian Cazard, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Tổng Giám đốc VMWare khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: "Từ nghiên cứu của Deloitte có thể thấy rõ rằng người dân kỳ vọng cấp độ - và chất lượng dịch vụ - tương đương với cấp độ và chất lượng dịch vụ do các công ty hay tổ chức tư nhân cung cấp. Cung cấp dịch vụ qua hạ tầng đa đám mây cũng như các ứng dụng và dịch vụ hiện đại được container hoá là cách thức của tương lai, do đó chính phủ các nước cần điều chỉnh tư duy và nguồn lực theo các xu hướng này để đáp ứng đúng nhu cầu của người dân."
John O'Mahony, Tư vấn trưởng của Deloitte, Tác giả chính của báo cáo, cho biết: "Giá trị hoàn vốn đầu tư vào các dịch vụ công số hoá rất cao. Hoàn vốn đầu tư này có thể bao gồm cả trải nghiệm tích cực của người dân đối với các dịch vụ số, nâng cao nhận thức và niềm tin vào chính phủ, củng cố bình đẳng và tính bao trùm, giảm phát thải carbon và tiết kiệm chi chí tài chính, tạo ra chính phủ có khả năng đáp ứng cao hơn với nhu cầu thay đổi chính sách."
Sự sẵn sàng chuyển đổi số trong tương lai của chính phủ các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có rất nhiều điểm khác biệt. Dưới đây là một số điểm khác biệt chính:
- Singapore: 84% người Singapore tham gia khảo sát kỳ vọng truy cập các dịch vụ công với tần suất bằng hoặc cao hơn hiện nay trong 5 năm tới và 76% đồng ý hoặc rất nhất trí rằng chính phủ cần đầu tư nhiều hơn cho công nghệ để có thể sẵn sàng hơn cho tương lai.
- Việt Nam : 85% đối tượng tham gia khảo sát tại Việt Nam mong muốn học được những kỹ năng số mới hoặc sử dụng nền tảng mới và 80% dự kiến truy cập các dịch vụ công với tần suất bằng hoặc cao hơn hiện nay trong 5 năm tới.
- Ấn Độ: Các đối tượng tham gia khảo sát ở Ấn Độ cho rằng trải nghiệm tích cực khi sử dụng dịch vụ công sẽ nâng cao lòng tin của họ vào chính phủ và hiện tại 89% mong muốn học kỹ năng số mới hoặc sử dụng nền tảng mới.
- Indonesia: 81% đối tượng tham gia khảo sát tại Indonesia thoải mái hơn với việc sử dụng công nghệ số, đáng lưu ý hơn, các website của chính phủ đã thay thế dịch vụ cung cấp trực tiếp và trở thành biện pháp truy nhập dịch vụ công phổ biến nhất hiện nay.
- Hàn Quốc: 90% đối tượng tham gia khảo sát tại Hàn Quốc dự kiến sẽ truy cập dịch vụ công thường xuyên hơn trong 5 năm tới. Phát hiện của báo cáo cho thấy Hàn Quốc đứng thứ 1 toàn cầu trong bảng xếp hạng GTMI của Ngân hàng Thế giới và được công nhận là quốc gia hàng đầu thế giới về GovTech với số điểm 98 trên 100.
- Nhật Bản 90% đối tượng tham gia khảo sát tại Nhật Bản dự kiến truy cập các dịch vụ công thường xuyên hơn trong vòng 5 năm tới và chỉ 27% kỳ vọng chất lượng dịch vụ công tương đương với chất lượng do khu vực tư nhân cung cấp.
- Úc: 82% đối tượng tham gia khảo sát tại Úc kỳ vọng hầu hết các dịch vụ công sẽ được cung cấp trực tuyến trong vòng 5 năm tới và mong muốn có trải nghiệm tích hợp hơn. 55% người dân Úc sẵn lòng cung cấp dữ liệu cá nhân nếu dữ liệu này có thể giúp đơn giản hóa việc truy cập dịch vụ. An ninh dữ liệu cũng là mối quan tâm hàng đầu của người dân Úc khi truy cập các dịch vụ công.