Apple mở rộng tính năng bảo mật dữ liệu gây tranh cãi trên iCloud

Apple mở rộng tính năng bảo mật dữ liệu gây tranh cãi trên iCloud
Tính năng Bảo vệ dữ liệu nâng cao của nhà sản xuất iPhone mở rộng áp dụng công nghệ mã hóa đầu cuối cho cả những hình ảnh và dữ liệu được sao lưu vào dịch vụ lưu trữ iCloud của Apple.

Ngày 7/12 hãng công nghệ Apple cho biết hãng sẽ tăng cường bảo vệ những dữ liệu người dùng lưu trữ trên đám mây, một động thái có thể ngăn chặn các cơ quan chức năng cũng như tin tặc tiếp cận những dữ liệu này.

apple-icloud.jpg

Tính năng Bảo vệ dữ liệu nâng cao (Advanced Data Protection) của nhà sản xuất iPhone mở rộng áp dụng công nghệ mã hóa đầu cuối cho cả những hình ảnh và dữ liệu được sao lưu vào dịch vụ lưu trữ iCloud của Apple, thay vì giới hạn chỉ trong ứng dụng nhắn tin iMessage như trước đây.

Apple cho biết họ đưa ra động thái khẩn cấp này trước sự gia tăng đáng báo động về số vụ xâm phạm dữ liệu cá nhân. Theo nghiên cứu của hãng, khoảng 1,1 tỷ hồ sơ cá nhân đã bị lộ trong các vụ tấn công tin tặc trên toàn cầu vào năm 2021.

Ông Ivan Krstic, người đứng đầu bộ phận kiến trúc và kỹ thuật bảo mật của Apple, cho biết tính năng Bảo vệ dữ liệu nâng cao là mức bảo mật dữ liệu đám mây cao nhất của công ty.

Tính năng này cung cấp cho người dùng sự lựa chọn bảo vệ phần lớn dữ liệu iCloud nhạy cảm nhất của họ bằng mã hóa đầu cuối. Với công nghệ này, những dữ liệu đó chỉ có thể được giải mã trên các thiết bị đáng tin cậy của họ.

Theo cài đặt mới, Apple cho biết chỉ iCloud Mail, Contacts (Danh bạ) và Calendar (Lịch) sẽ không được mã hóa do yêu cầu cần kết hợp hoạt động với các hệ thống khác.

Apple dự kiến sẽ triển khai tính năng bảo mật mới tại Mỹ vào cuối tháng này, rồi mở rộng trên toàn cầu vào năm tới.

Trao đổi với tờ Wall Street Journal, Apple cho hay với tính năng bảo mật nâng cao này, hãng sẽ không thể chuyển giao lịch sử iMessage và các tệp thông tin khác ngay cả khi các nhà điều tra yêu cầu họ làm như vậy một cách hợp pháp.

Động thái đó có khả năng khơi lại một tranh cãi kéo dài giữa các công ty công nghệ và cơ quan thực thi pháp luật.

Apple trước đây đã từng chống lại nỗ lực của giới chức trách nhằm làm suy yếu tính năng mã hóa thông tin trên iPhone để cho phép cơ quan điều tra đọc tin nhắn từ điện thoại của một nghi phạm trong vụ đánh bom năm 2015 ở San Bernardino, California.

Các quan chức cảnh sát trên toàn thế giới cho biết công nghệ mã hóa có thể bảo vệ bọn tội phạm, khủng bố và khiêu dâm ngay cả khi các nhà chức trách có lệnh điều tra hợp pháp.

Tuy nhiên, những người ủng hộ quyền công dân và quyền riêng tư cùng các chuyên gia an ninh mạng ủng hộ việc mã hóa dữ liệu, viện dẫn lý do bảo vệ người dân khỏi sự xâm phạm thông tin từ tin tặc cũng như chính quyền.

Trong khi đó, “Táo khuyết” lên tiếng ủng hộ quyền riêng tư dữ liệu người dùng như một cách để tạo sự khác biệt với những “gã khổng lồ” công nghệ Meta và Google, những công ty theo dõi chặt chẽ hoạt động trực tuyến của người dùng để tăng doanh thu quảng cáo.

Có thể bạn quan tâm