Apple khó bán Vision Pro ở Trung Quốc

Vision Pro trùng tên với thương hiệu được Huawei đăng ký bản quyền. Do đó, Apple có thể không thể bán bộ kính thực tế ảo ở thị trường Trung Quốc nếu vẫn sử dụng tên gọi này.

Là một tập đoàn công nghệ hàng đầu, Apple luôn phải cẩn trọng với mọi sản phẩm của mình ngay từ khâu đặt tên. Cùng một tên gọi nhưng ở những quốc gia khác nhau có thể sẽ có ý nghĩa khác hoặc đã được một công ty khác mua bản quyền. Sơ suất trong khâu chọn tên có thể dẫn đến kiện tụng hoặc tranh cãi vi phạm bản quyền rắc rối.

Tuy nhiên, sản phẩm kính thông minh đầu tiên Apple Vision Pro đã vướng phải rắc rối này ở Trung Quốc. Huawei đã đăng ký bảo hộ thương hiệu Vision Pro từ 4 năm trước.

Cụ thể, theo tìm hiểu của Mạng lưới Thương hiệu Trung Quốc, Huawei đã hoàn thành thủ tục đăng ký bản quyền Vision Pro vào ngày 16/5/2019 với số hiệu 38242888, thuộc nhóm hàng hóa số 9.

Văn bản đăng ký bản quyền thương hiệu Vision Pro của Huawei.
Văn bản đăng ký bản quyền thương hiệu Vision Pro của Huawei.

Hàng hóa nhóm 9 bao gồm những thiết bị liên quan đến nhiếp ảnh, điện ảnh, thiết bị ghi, truyền và tái tạo âm thanh hoặc hình ảnh… Thời hạn bản quyền kéo dài từ 28/11/2021-27/11/2031, cho phép sử dụng cho toàn bộ sản phẩm và dịch vụ từ TV màn hình LCD, thiết bị đeo thực tế ảo, thu phát sóng…

Điều này đồng nghĩa với việc Apple có thể sẽ không được sử dụng tên Vision Pro cho sản phẩm mới của mình ở thị trường tỷ dân. Tập đoàn Mỹ sẽ phải nghĩ một tên gọi mới khi ra mắt kính thực tế hỗn hợp ở quốc gia này.

Huawei hiện đã có hai sản phẩm thuộc dòng Vision là kính thông minh Vision Glass và màn hình thông minh Huawei Vision Smart Screen. Do đó, tên gọi Vision Pro có thể được đăng ký bản quyền để sử dụng cho dòng Vision Smart Screen sắp tới.

Theo GizmoChina, thay đổi tên Vision Pro khi mở bán ở Trung Quốc là giải pháp đơn giản nhất và tránh mọi kiện tụng pháp lý dành cho Apple trong trường hợp này.

Ngoài ra, tập đoàn công nghệ Mỹ có thể thương lượng với Huawei để sử dụng tên gọi Vision Pro cho sản phẩm. Quy trình này có thể sẽ rất phức tạp và mất thời gian nhưng giúp Apple vẫn có thể giữ lại tên ban đầu của bộ headset.

Trong trường hợp xấu nhất, Táo khuyết sẽ chọn cách không ra mắt Vision Pro ở thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này có thể mang đến tổn thất cho tập đoàn bởi Trung Quốc là một trong những thị trường lớn và quan trọng nhất của họ.

Đây không phải lần đầu tiên Apple gặp phải trường hợp trùng tên đã đăng ký bản quyền. Với dòng sản phẩm smartwatch, Táo khuyết từng vướng phải một số vấn đề pháp lý với cái tên iWatch, được đăng ký độc quyền bởi hãng OMG Electronics tại Mỹ từ tháng 9/2012.

Công ty phát triển phần mềm Probendi ở Ireland cũng sở hữu bản quyền tên gọi iWatch được sử dụng ở các quốc gia tại châu Âu.

Tên iPhone cũng được đăng ký thương hiệu bởi Cisco trước khi phát hành sản phẩm nên Apple đã trả một khoản tiền không được tiết lộ để có quyền sử dụng tên gọi này.

Còn với iPad, tên gọi này từng được đăng ký bản quyền thương hiệu bởi Proview ở Trung Quốc. Apple phải chi 60 triệu USD để sử dụng tên iPad tại quốc gia tỷ dân.

Steve Jobs còn từng giới thiệu một sản phẩm có tên iTV vào năm 2006. Nhưng sau khi thua kiện với công ty truyền hình ở Anh đã sở hữu thương hiệu, Apple đành phải sử dụng tên gọi Apple TV cho sản phẩm của mình.

Có thể bạn quan tâm

Ngày 7/6/2024, Trường Cao đẳng An ninh mạng iSPACE và Tập đoàn Giáo dục Pearson Vương Quốc Anh đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực CNTT theo chuẩn quốc tế, mà cụ thể và trước mắt là triển khai Chương trình Cao đẳng Anh Quốc BTEC.