Xu hướng điều khiển nút vật lý quay trở lại trong ngành công nghệ?

Ngành công nghệ đang chứng kiến cuộc trở lại của thiết kế sử dụng nút vật lý, thay vì đi theo trào lưu cảm ứng hóa mọi thao tác điều khiển.
Xu hướng điều khiển nút vật lý

Công nghệ cảm ứng không thể dùng mọi nơi

Màn hình cảm ứng ra đời kéo theo một cuộc "cách mạng" trong thiết kế tối ưu thao tác điều khiển của người dùng. Tuy nhiên việc quản lý hoạt động của máy móc theo thao tác chạm vẫn bị chê là "không thật", khiến các nhà thiết kế sản phẩm nhận ra tầm quan trọng của việc tương tác thông qua điều khiển bằng nút vật lý.

Ví dụ ở ngành công nghiệp xe hơi, xe điện Tesla đã "cảm ứng hóa" giao diện điều khiển, gói gọn việc điều chỉnh tính năng phụ trợ thông qua một màn hình cảm ứng trung tâm. Nhiều hãng khác cũng nhanh chóng cập nhật xu hướng, nhưng việc giữ lại các nút vặn, bấm là điều không thể chối bỏ và một số thương hiệu lớn có dấu hiệu trở lại với nút vật lý trên bảng điều khiển.

Trang Wall Street Journal (WSJ) cho hay việc trang bị các nút bấm, xoay giúp tài xế vừa điều khiển xe vừa có thể quan sát đường. Điều này cũng được ông Patrick McKenna, Trưởng bộ phận sản phẩm và marketing của Mini USA xác nhận khi khẳng định việc điều khiển bằng tương tác vật lý giúp giảm thiểu sự phân tâm của người lái. Thực tế, người lái xe có thể điều khiển và tự cảm nhận bằng tay sự thay đổi của các chế độ dựa trên phản hồi từ nút vật lý mà không cần nhìn như đối với màn hình cảm ứng.

Trên thiết bị gia dụng, điện tử tiêu dùng cũng chứng kiến một làn sóng tương tự. Trải qua thời gian sử dụng màn hình cảm ứng trên các máy công nghệ trong nhà, người dùng nhận ra phương thức điều khiển này khiến họ phải liên tục nhìn vào màn hình, giảm khả năng tương tác tự nhiên. Điều này khiến giới thiết kế nhận ra nút bấm còn mang lại trải nghiệm cho người dùng, không đơn thuần giúp việc thao tác dễ hơn.

Sam Calisch - CEO công ty bếp từ Copper đánh giá việc áp dụng tràn lan thao tác cảm ứng vào sản phẩm từng là một sai lầm của mình. "Khi nồi sôi khiến nước tràn ra các bảng điều khiển, thì cảm ứng trở nên vô dụng", Sam thừa nhận và cho rằng không phải nơi nào cũng có thể sử dụng công nghệ này.

WSJ cho rằng ngay cả các nút điện dung nằm trên bề mặt phẳng, cứng có khả năng phản hồi qua âm thanh, ánh sáng mà không có phản hồi vật lý cũng có nhược điểm tương tự. Các thiết kế điều khiển kiểu này trên máy giặt, lò vi sóng, bếp... sẽ không hoạt động được khi có nước phía trên.

Apple từng "quay xe"

Không tính màn hình cảm ứng, Apple từng "tiên phong" trong việc đưa bảng điều khiển cảm ứng lên laptop thay cho phím chức năng vật lý trên dòng MacBook Pro năm 2016. Nhưng sau 5 năm, hãng quyết định "khai tử" Touch Bar để trở về với phím vật lý truyền thống, sau hàng loạt phản hồi kém tích cực từ người dùng.

Dù được Apple quảng cáo như một bước cải tiến, Touch Bar vẫn không thể thay thế được trải nghiệm chạm tay điều khiển trên phím vật lý và thường xuyên xảy ra lỗi hơn. Hãng cũng phải thừa nhận việc bấm phím vật lý vẫn mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, đặc biệt ở mức độ chuyên nghiệp (làm nghề).

Trên iPhone 15 series, hãng bỏ nút gạt truyền thống, thay bằng Action Button - một nút bấm vật lý có thể cài đặt thêm tính năng giúp người dùng có nhiều lựa chọn hơn thay vì chỉ tắt chuông, bật rung. Action Button lần đầu có mặt trên Apple Watch Ultra đã nhận phản hồi tích cực.

Mới đây, "táo khuyết" cũng lần đầu tiên mang đến nút chụp hình riêng trên iPhone 16 series, cùng với một số tính năng đi kèm. Dù thiết kế này đã xuất hiện trên điện thoại từ rất lâu, quen thuộc bởi người dùng Nokia thế hệ Symbian từ hàng chục năm trước, sự thay đổi này cho thấy Apple muốn mang đến một lựa chọn chụp hình "có cảm xúc và tiếp xúc" hơn so với việc bấm chụp trên màn hình như cũ. Tuy nhiên, thay đổi mang tên Camera Control này vẫn cho thấy nhiều bất tiện và có thể cần nhiều năm nữa để xác định là bước đi đúng hay sai, liệu có theo chân Touch Bar hay không.

Lý do khiến nút vật lý được yêu thích

Không chỉ liên quan đến khả năng tập trung hay cảm nhận xúc giác, lý do chính khiến thao tác điều khiển nút vật lý được yêu thích bắt đầu từ cơ chế cảm giác chuyển động, không gian của cơ thể. Không được xem là một giác quan cụ thể, cơ chế này hình thành qua phản hồi cảm giác từ chính các giác quan. Nhờ đó, não bộ biết được vị trí của các bộ phận cơ thể trong không gian xung quanh mà không cần sự xác thực từ mắt (thị giác).

Khi sử dụng phím vật lý, xúc giác tiếp nhận thông tin và kết hợp cùng cơ chế nhận thức không gian giúp con người cảm nhận được vị trí nút và điều khiển đúng theo ý muốn mà không cần phải nhìn. Trải nghiệm này là thứ không thể có được trên màn hình cảm ứng.

Theo Phó giáo sư Rachel Plotnick (Đại học Indiana Bloomington, Mỹ), giao diện màn hình cảm ứng không dựa trên cảm giác chạm, mà dựa trên thị giác. Do vậy, người dùng buộc phải tập trung vào màn hình để thao tác, gây phân tâm trong những tác vụ khác cần nhiều sự tập trung (ví dụ lái xe). Điều này trái với những gì mà nút vật lý có thể mang lại.

Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo mới nhất của ConsumerLab từ Ericsson (NASDAQ: ERIC), các ứng dụng GenAI (AI tạo sinh) đang trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của người dùng smartphone 5G toàn cầu đối với kết nối vượt trội — đảm bảo kết nối ổn định, tốc độ cao khi người dùng cần nhất.