Học tập tích hợp: Cuộc cách mạng về nhận thức trong ngành giáo dục

Học tập tích hợp: Cuộc cách mạng về nhận thức trong ngành giáo dục
Hybrid Learning (học tập tích hợp) sẽ kéo theo hàng loạt thay đổi trên bình diện rộng của ngành giáo dục. Điều này đòi hỏi một cuộc cách mạng về nhận thức để tiếp nhận, phát triển và khai thác hiệu quả những lợi ích từ mô hình học tập này.

“Học tập tích hợp: Tương lai của giáo dục” là chủ đề chính của Diễn đàn Giáo dục 4.0 năm 2023 (EDU4.0 2023) vừa dược tổ chức sáng nay tại Hà Nội

Phát biểu tại Diễn đàn, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia nhấn mạnh, công nghệ giáo dục là một lĩnh vực liên ngành, được xây dựng và phát triển trên nền tảng các khoa học giáo dục và các công nghệ hội tụ đầy hứa hẹn, hướng đến người học ngày càng sâu sắc hơn để đổi mới sáng tạo trong giáo dục, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội trong thời đại số.

Hình thái Hybrid Learning (offline, online, blended…) chính là chìa khóa để phát triển mô hình kết nối này, tạo ra cơ hội mở để sinh viên tham gia vào thực tiễn hoạt động ngay trong quá trình đào tạo, tăng tính cạnh tranh và khả năng học tập với thực tế một cách thường xuyên, liên tục cập nhật kĩ năng.

Tối ưu hóa quá trình học tập tích hợp

Diễn đàn EDU4.0 2023 đề cập đến một mô hình tương đối mới mẻ, Học tập kết hợp. Thực tế cho thấy, đại đa số người dạy, người học - thậm chí có cả các chuyên gia giáo dục - chưa hiểu cặn kẽ, thấu đáo khái niệm này, cũng như phân biệt giữa hình thức “Hybrid Learning” (Học tập tích hợp) và “Blended Learning” (Học tập kết hợp). Đã có nhiều cuộc tranh luận quanh khái niệm, đặc điểm, cấp độ… cũng như sự ưu việt và giá trị của mô hình này. 

Hình dung một cách đơn giản nhất, Học tập tích hợp là mô hình kết hợp và đồng bộ giữa học trực tiếp tại lớp và học trực tuyến, với sự hỗ trợ của các công nghệ mới và nguồn học liệu đa định dạng. Giáo viên và học viên có thể tự do lựa chọn cách thức tham gia lớp học phù hợp nhất mà vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức cũng như chất lượng đào tạo. 

Trong khi không đòi hỏi sự tập trung về địa điểm, thời gian như mô hình giáo dục truyền thống, Học tập tích hợp lại đòi hỏi cả người dạy – người học phải có sự chủ động cao trong việc chia sẻ và tiếp thu kiến thức, tương tác đa chiều… 

Cùng đó, theo GS-TS Nguyễn Quý Thanh, "Trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay, cần có thêm những mô hình kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp với cấu trúc chức năng mang tính chuyển đổi sâu sắc, tạo ra những giá trị mới trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao và phát triển sản phẩm vì lợi ích hài hòa giữa các bên và lợi ích xã hội". 

Trường Đại học Giáo dục với vị thế là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực khoa học giáo dục và sư phạm đã và đang tiên phong trong việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ giáo dục. Nhà trường sẵn sàng mở rộng, hợp tác và kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, trong nước và quốc tế đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ giáo dục; cùng nhau kiến tạo và phát triển mô hình giữa nhà giáo dục - nhà công nghệ - nhà sử dụng lao động hướng đến chủ động thích ứng cho những hình thái giáo dục phi truyền thống trong tương lai.

Học tập tích hợp cần một cuộc “cách mạng về nhận thức”

Theo Tiến sĩ Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và chuẩn bị ban hành một số văn bản, đề án liên quan đến công nghệ thông tin, tạo hành lang pháp lý để phát triển các tài nguyên và thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, bao gồm: chia sẻ tài nguyên, hồ sơ, dữ liệu, sổ điện tử liên thông...; hỗ trợ cho các nhà trường trong công tác quản lý, dạy học nhằm tạo ra một hệ sinh thái số, giúp tiết kiệm nguồn lực chung cho xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng triển khai đầu tư trang bị hệ thống studio, hệ thống dạy học trực tuyến cho 7 nhóm trường trọng điểm cho các ngành nghề; triển khai hiệu quả và tích cực đối với các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục.

"Việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục đang triển khai quyết liệt trong toàn ngành giáo dục, tận dụng tiến bộ công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả việc dạy, học, mở ra cơ hội học tập cho mọi người. Học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến giúp làm được điều đó", TS Tô Hồng Nam khẳng định.

Trao đổi tại Diễn đàn EDU4.0 2023, các chuyên gia cho rằng, thay đổi đầu tiên và lớn nhất cần thực hiện chính là thay đổi về nhận thức. Việc tiếp nhận một cách cởi mở mô hình đào tạo mới là không dễ dàng, nhất là khi học tập tích hợp sẽ kéo theo hàng loạt thay đổi trên bình diện rộng của ngành giáo dục: thay đổi về phương pháp học tập và sát hạch; thay đổi về hình thức tương tác và phản biện; thay đổi về việc ứng dụng công nghệ sao cho hiệu quả, hỗ trợ tối đa tính ưu việt của mô hình này…

Trong xu thế đó, nhằm tối ưu hoá quá trình học tập tích hợp, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục đã và đang không ngừng nỗ lực, cho ra đời những nền tảng, sản phẩm tiên tiến, hiện đại. Thông tin về các giải pháp – dịch vụ công nghệ giáo dục mới đã được đưa ra trong phần trình bày đến từ các doanh nghiệp EdTech tại diễn đàn. Trong đó có thể kể đến phần thuyết trình của ông Min Kim – Nhà sáng lập và CEO Hoodoolabs, một chuyên gia EdTech từ Hàn Quốc, hiện là đối tác về EduTech của VTC online; hay mô hình hợp tác phát triển thị trường công nghệ giáo dục của Liên minh công nghệ giáo dục Việt – Úc.

Diễn đàn EDU4.0 năm nay có sự tham gia của các đại biểu từ hơn 10 tỉnh thành tại Việt Nam và hơn 6 quốc gia gồm có Úc, Canada, Angieria, Anh, Ba Lan, Hungari, Angola.

Có thể bạn quan tâm