Vẫn còn chặng đường dài để trí tuệ nhân tạo (AI) đưa người dùng đến nơi làm việc, nhưng với bước tiến từ General Motors, một số chủ sở hữu ô tô sẽ sớm trò chuyện với ChatGPT trên đường đi làm.
Theo Semafor, General Motors (GM) đang khám phá việc sử dụng ChatGPT như một phần của sự hợp tác rộng rãi hơn với Microsoft. Chatbot này có thể được dùng để truy cập thông tin về cách sử dụng các tính năng của xe - điều vốn thường có trong sổ tay - cũng như chương trình như cửa nhà để xe hoặc tích hợp lịch trình.
General Motors cho biết sự thay đổi này không chỉ là phát triển đơn lẻ như khẩu lệnh, khách hàng có thể sẽ sớm có những chiếc xe có nhiều khả năng mới mẻ hơn về công nghệ. Phiên bản trợ lý AI trên sản phẩm xe hơi của GM hoạt động khác với ChatGPT hoặc Bing Chat. GM đang làm việc để thêm một lớp dành riêng cho ô tô hơn trên các mô hình OpenAI được biết đến để trả lời bất kỳ câu hỏi nào - vốn thường có kết quả không thể đoán trước.
Phó chủ tịch Scott Miller cho rằng việc tích hợp trợ lý ảo ChatGPT có thể phục vụ các tình huống cụ thể một cách hiệu quả. Ví dụ nếu xe bị xẹp lốp, người dùng có thể yêu cầu chiếc xe giải thích cách thay lốp, từ đó có thể gọi trình phát video hướng dẫn trên màn hình bên trong xe. Hoặc khi đèn chẩn đoán bật lên trên bảng điều khiển, người lái xe có thể hỏi trợ lý ảo ý nghĩa của nó và liệu nên đậu xe vào lề hay tiếp tục di chuyển đến garage sửa xe để giải quyết lỗi.
Đầu năm nay, Microsoft công bố khoản đầu tư trị giá hàng tỉ USD vào OpenAI - chủ sở hữu ChatGPT - hãng cho biết thương vụ nhằm mục đích bổ sung công nghệ của chatbot vào tất cả sản phẩm của mình.
Hãng có trụ sở tại Redmond cũng như các công ty công nghệ lớn khác hiện nỗ lực đưa nhiều công nghệ hơn vào hệ thống, từ thông tin giải trí, lái xe tự động đến kiểm soát hiệu suất pin và nhiều chức năng khác của chiếc xe hơi.
Trước đó vào năm 2021, General Motors đã hợp tác với Microsoft để đẩy nhanh quá trình thương mại hóa phương tiện không người lái.