Chiều 28/5, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024 (Vietnam - Asia DX Summit 2024) khai mạc. Đây là sự kiện thường niên quy mô quốc gia và quốc tế do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ TT-TT.
Tham dự phiên khai mạc diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng. Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 2.000 lượt đại biểu là các lãnh đạo, chuyên gia đến từ 17 nền kinh tế trong khu vực, 35 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Vietnam - Asia DX Summit 2024 có chủ đề “Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh - Phát triển kinh tế số”.
Sau phiên khai mạc, các lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ tập trung chia sẻ và thảo luận ở 7 phiên hội nghị chuyên đề; đồng thời tham gia hoạt động triển lãm nền tảng giải pháp số, và hoạt động kết nối giao thương.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai chuyển đổi quan trọng bậc nhất của đầu thế kỷ 21.
“Hai chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh, chúng đi với nhau và hỗ trợ nhau. Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì cũng phải dùng chuyển đổi xanh. Hai chuyển đổi này cũng sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%. Cũng trong năm 2020 kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP, nhưng đến năm 2023 thì kinh tế số theo tính toán của Bộ TT-TT đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20%. Như vậy, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước từ 2 đến 4 lần trong thời gian qua.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã thực hiện được 4 năm và bước sang năm thứ 5. Đây là thời điểm chúng ta sẽ tập trung vào phát triển kinh tế số với bốn trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông; phát triển kinh tế số các ngành; quản trị số; và phát triển dữ liệu số.
Tại sự kiện, ông Trương Gia Bình (Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT) chia sẻ, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số tại cả Việt Nam và châu Á.
“Cả thế giới đang bước sang giai đoạn phát triển thông minh hóa với hai xu thế chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đó vừa là động lực, là cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn. Để khai thác tiềm năng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo ra phát triển kép về cả kinh tế số và kinh tế xanh, Việt Nam cần đi tiên phong phát triển các lĩnh vực: Trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, xe điện thông minh trong chuyển đổi số, công nghệ xanh. Cần phải tập trung nhân lực, tài chính cho những lĩnh vực công nghệ trọng điểm này”, ông Bình cho biết.
Vietnam - Asia DX Summit 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/5.
Báo cáo của VINASA cho biết, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP (Báo cáo của EconomySEA).
Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022; liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.
Về chuyển đổi xanh, Việt Nam đã triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long; kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030”; đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt 1 triệu ha, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai… 1.912 doanh nghiệp lớn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; làn sóng chuyển dịch dòng vốn xanh với gần 7 tỷ USD ưu tiên danh mục tín dụng xanh giai đoạn 2021-2022 của các ngân hàng trong nước.