'Xương sống' của doanh nghiệp thu phí không dừng được tạo ra như thế nào?

'Xương sống' của doanh nghiệp thu phí không dừng được tạo ra như thế nào?
Hệ thống phần mềm ETC Backend do Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel xây dựng, chính là “xương sống” của các doanh nghiệp thu phí không dừng. Đây là giải pháp vừa được trao giải Sao Khuê 2022.

Ngày 17/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg, yêu cầu tối đa đến ngày 31/12/2020, hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) quốc gia phải hoàn thành và đưa vào sử dụng. Để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng và áp lực về thời gian như vậy, giai đoạn 2 của dự án được giao cho Tập đoàn Viettel.

ETC là một trong những cấu phần quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống Giao thông thông minh (Intelligent Transport Systems – ITS) và sau đó là Đô thị thông minh (Smart City). Như tên gọi của nó, ETC tối thiểu thời gian thu phí đi đường, “làm trơn” việc lưu thông phương tiện, giảm ùn tắc và tai nạn. Đồng thời, ETC giúp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giao thông và quản lý vận hành hệ thống hạ tầng giao thông hiệu quả.

ETC-Backend.jpg
Hệ thống ETC Backend của Viettel Solutions vừa được trao giải Sao Khuê 2022

Con số thống kê sau 11 tháng triển khai cho thấy, 1 triệu thẻ thu phí tự động (ePass) đã được dán. Với hệ thống ETC này, tỷ lệ nhận dạng thẻ đầu cuối đạt 98,48%, thời gian xử lý giao dịch giảm từ 0,6 giây xuống 0,2 giây và giảm thời gian vận chuyển của khách hàng đến 60 lần, góp phần giảm thiểu ùn tắc trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ.

ETC có thể nhanh chóng đi vào hoạt động với hiệu quả như trên, trước hết nhờ có hệ thống ETC Backend chất lượng. Hệ thống đóng vai trò xương sống phục vụ toàn bộ hoạt động và tổ chức bộ máy của doanh nghiệp thu phí không dừng, bao gồm: Bộ máy bán hàng, kênh bán hàng phát triển thuê bao; Bộ máy trạm trưởng tại các trạm thu phí; Bộ máy giám sát vận hành; Bộ phận hậu kiểm, xử lý bất thường; Bộ phận đối soát; Bộ máy chăm sóc khách hàng và Ban lãnh đạo điều hành.

ETC Backend không chỉ cho thu phí không dừng

Một hệ thống Backend không đủ tốt sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Họ có thể gặp khó khăn trong việc mở rộng bài toán kinh doanh và triển khai chính sách kinh doanh, mất nhiều thời gian đưa các mô hình kinh doanh ra thị trường, thậm chí là không thể làm được nếu không thay đổi kiến trúc của hệ thống.

Backend kém cũng khiến cho trải nghiệm sử dụng dịch vụ của khách hàng không tốt, dẫn đến nhiều khiếu nại và tăng áp lực cho bộ máy vận hành, chăm sóc khách hàng. Khi đó, doanh nghiệp phải “gánh” một bộ máy vận hành lớn mà không đạt hiệu quả.

Đi vào thực tế, hệ thống ETC Backend của Viettel Solutions được đánh giá cao ở nhiều tính năng. Có thể kể đến ứng dụng bán hàng đáp ứng hàng trăm nghìn cộng tác viên, điểm bán phát triển thuê bao; Tính năng hậu kiểm tự động giúp giảm thiểu nhân sự hậu kiểm thủ công nhiều lần so với trước khi áp dụng; hay Tính năng kiểm duyệt hồ sơ tự động giúp cắt giảm bộ máy kiểm duyệt hồ sơ thủ công.

ETC Backend đặc biệt “ghi điểm” với tính năng đấu nối thuê bao được ứng dụng công nghệ OCR tự động nhận diện hồ sơ giấy tờ, lấy thông tin đăng kiểm tự động đã rút ngắn thời gian đăng ký và kích hoạt dịch vụ nhiều lần. Toàn bộ quá trình này chỉ mất chưa đến 2 phút, sau đó khách hàng có thể sử dụng ngay dịch vụ.

Đặc biệt, hệ thống quản lý tài khoản và tính cước OCS là điểm mới, độc đáo cũng là thế mạnh của Viettel khi so sánh với các đơn vị khác. Đây là hệ thống đã được triển khai tại nhiều thị trường trên toàn cầu và đạt các giải thưởng quốc tế uy tín. Việc đưa hệ thống tính cước OCS vào ETC Backend giúp việc thiết kế linh hoạt, cá thể hóa các gói cước cho các đối tượng khách hàng khác nhau, năng lực xử lý cho hàng trăm triệu giao dịch mỗi ngày.

Đồng thời, việc tích hợp ví điện tử Viettel Money giúp cho chủ phương tiện không cần truy cập vào tài khoản giao thông vẫn có thể qua trạm khi trong ví còn đủ tiền.

Ông Vũ Công Tuệ chia sẻ, trong năm 2022, sản phẩm ETC Backend sẽ tập trung vào việc bổ sung các công nghệ 4.0: AI, Big Data để mang lại những giá trị mới cho khách hàng như: Tích hợp các công nghệ nhận diện các loại hồ sơ phương tiện bao gồm các giấy đăng ký kinh doanh, đăng kiểm, nhận diện thẻ E-tag từ ảnh dán thẻ trên phương tiện; Tích hợp callbot, chatbot tăng cường công cụ chăm sóc khách hàng và Tích hợp các công nghệ khai phá dữ liệu, tăng cường trải nghiệm tới khách hàng.

Hiện tại, giải pháp đang được cung cấp cho Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam. ETC Backend do Viettel Solutions xây dựng được thiết kế mở cho việc tích hợp các đối tượng Front-end khác nhau để triển khai các bài toán thu phí nội đô, cảng sân bay.

Cũng chính nhờ thiết kế sản phẩm vượt trội, cùng những tính năng tiện dụng cho người dùng, mới đây, ETC Backend của Viettel Solutions đã được trao giải Sao Khuê 2022 ở hạng mục sản phẩm, giải pháp số trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Đáng chú ý, hệ thống ETC Backend này được thiết kế sẵn sàng cho việc chuyển sang giai đoạn Free flow (giai đoạn thu phí trả sau, không có barrier). Để triển khai bài toán thu phí trả sau, một hệ thống ETC Backend cần đáp ứng tối thiểu các tính năng: quản lý gói cước trả sau linh hoạt, tính năng tổng hợp cước (billing), lên hóa đơn cước và tính năng quản lý thu cước, gạch nợ.

“Đây là các tính năng mà hệ thống ETC Backend của Viettel sẵn sàng đáp ứng nhờ được thừa hưởng những ưu việt từ kinh nghiệm triển khai trong thực tế kinh doanh dịch vụ viễn thông trả sau mà chỉ có những nhà mạng viễn thông mới có” – ông Vũ Công Tuệ cho biết.

Theo kế hoạch, 2022 sẽ là năm Viettel Solutions đẩy mạnh đưa ETC Backend ra thị trường trong và ngoài nước.

Có thể bạn quan tâm