Trung Quốc đạt bước tiến quan trọng trong mạng 6G

Theo Tân Hoa Xã, một nhóm kỹ sư viễn thông Trung Quốc đã thiết lập mạng thử nghiệm thực địa 6G đầu tiên trên thế giới.

Các kỹ sư viễn thông đến từ Đại học Bưu chính Viễn thông Trung Quốc đã thiết lập mạng thử nghiệm thực địa, có thể đạt năng lực truyền dẫn 6G trên cơ sở hạ tầng 4G có sẵn. Nhóm trình bày những phát hiện ban đầu về hoạt động của mạng thử nghiệm tại một hội nghị tổ chức ở Bắc Kinh ngày 10/7.

Mạng sử dụng kỹ thuật có tên “giao tiếp ngữ nghĩa” (semantic communication), cải thiện gấp 10 lần các thước đo truyền thông quan trọng, bao gồm dung lượng, phạm vi phủ sóng và tính hiệu quả.

Theo Tân Hoa Xã, mạng phục vụ như nền tảng để các viện tiến hành nghiên cứu lý thuyết và xác minh ban đầu công nghệ quan trọng của 6G.

Theo nhóm nghiên cứu, là mạng thử nghiệm thực địa 6G “đầu tiên trên thế giới”, nó hạ thấp rào cản đầu vào đối với nghiên cứu 6G, giúp dễ tiếp cận hơn và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Mạng tích hợp sâu giữa truyền thông và AI, là “hướng đi quan trọng” trong sự phát triển của công nghệ truyền thông.

Giáo sư Zhang Ping, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, việc tích hợp hai công nghệ sẽ tăng tốc việc hình thành các dạng thức kinh doanh mới của nền kinh tế số. Theo giáo sư, AI cải thiện nhận thức và hiểu biết ngữ nghĩa về truyền thông, còn 6G sẽ mở rộng phạm vi tiếp cận của AI đến mọi ngóc ngách trong tất cả các lĩnh vực.

Trung Quốc đặt mục tiêu thương mại hóa 6G vào năm 2030 và dự kiến thiết lập tiêu chuẩn cho công nghệ này vào năm 2025, theo Wang Zhiqin, trưởng nhóm thúc đẩy 6G tại Trung Quốc.

Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm kỹ thuật 6G từ năm 2022 và đã thực hiện thành công nghiên cứu kiến trúc hệ thống 6G cũng như các giải pháp kỹ thuật vào năm 2023. Tất cả đều đặt nền móng cho bước tiến tiếp theo của mạng di động mới.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) thông báo, nước này đã phân bổ băng tần 6GHz cho mạng 5G và 6G do có lợi thế về phạm vi phủ sóng và dung lượng.

Năm 2023, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) phê duyệt khung tầm nhìn 6G – tài liệu nền tảng cho phát triển 6G toàn cầu, bao gồm 6 kịch bản sử dụng chính. Các nhà mạng Trung Quốc cũng không nằm ngoài cuộc đua này. Chẳng hạn, China Unicom đang khám phá các công nghệ tiềm năng cho 6G. Theo Chủ tịch Liu Liehong, hãng dự định hoàn thành nghiên cứu kỹ thuật và khai phá các kịch bản sử dụng sớm của 6G vào năm 2025. Công ty dự kiến thúc đẩy hợp tác trong ngành, cộng đồng học thuật, các viện nghiên cứu.

Trong khi đó, Gao Tongqing – Phó Tổng giám đốc China Mobile – nhận định, đây là thời điểm quan trọng để xác định các công nghệ 6G quan trọng. Nhà mạng này đã khởi động nền tảng xác minh thử nghiệm 6G công khai, cung cấp môi trường kiểm thử, R&D dựa trên kịch bản cho các đối tác trong ngành, hỗ trợ xác minh các kịch bản ứng dụng và kinh doanh mới, hạ thấp rào cản nghiên cứu công nghệ 6G chính.

Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo mới nhất của ConsumerLab từ Ericsson (NASDAQ: ERIC), các ứng dụng GenAI (AI tạo sinh) đang trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của người dùng smartphone 5G toàn cầu đối với kết nối vượt trội — đảm bảo kết nối ổn định, tốc độ cao khi người dùng cần nhất.