Tỷ trọng đầu tư của Nhật Bản vào năng lượng tái tạo ngày càng lớn, đặc biệt là sau thảm họa hạt nhân Fukushima đã làm thay đổi quan điểm của quốc gia này với năng lượng nguyên tử.
Theo Bloomberg, cỗ máy khổng lồ có tên Kairyu giống như một máy bay, với hai quạt tuabin quay ngược chiều và một thân trung tâm chứa hệ thống điều chỉnh lực nổi. Nguyên mẫu có trọng lượng 330 tấn được thiết kế để neo xuống đáy biển ở độ sâu 30 - 50 mét. Hệ thống có thể cung cấp điện một cách ổn định và đáng tin cậy, không phụ thuộc vào gió hay mặt trời.
Nhật Bản có kế hoạch đặt Kairyu trong Kuroshio, một trong những dòng chảy mạnh nhất thế giới, chạy dọc theo bờ biển phía đông của quốc gia mặt trời mọc và truyền điện qua các dây cáp dưới đáy biển.
Cuộc thử nghiệm cho thấy hệ thống tạo ra công suất ổn định 100 kilowatt. Công ty hiện có kế hoạch mở rộng quy mô hệ thống 2 megawatt, có thể đi vào hoạt động thương mại sau năm 2030. Theo Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO), hải lưu Kuroshio có thể tạo ra tới 200 gigawatt điện, tương đương 60% công suất phát điện hiện nay của Nhật Bản.
Giống như các quốc gia hàng hải tiên tiến khác, Nhật Bản đang khám phá nhiều cách khác nhau để khai thác năng lượng từ biển, bao gồm năng lượng thủy triều, sóng biển và chuyển đổi năng lượng nhiệt từ đại dương.
Ưu điểm của hải lưu là tính ổn định, ít dao động về tốc độ và hướng, mang lại hệ số công suất từ 50 - 70%. Con số này cao hơn rất nhiều so với khoảng 29% đối với gió và 15% đối với năng lượng mặt trời.
Nhật Bản là nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ ba trên thế giới và đang đầu tư mạnh vào gió ngoài khơi, nhưng việc khai thác các hải lưu có thể cung cấp nguồn điện cơ bản đáng tin cậy cần thiết để giảm nhu cầu lưu trữ năng lượng hoặc nhiên liệu hóa thạch.