Người Việt sợ bị đọc trộm, nghe lén khi nhắn tin qua app

Bảo mật là một trong những tiêu chí hàng đầu được người Việt quan tâm khi lựa chọn ứng dụng nhắn tin OTT.

Thay vì nhắn tin, gọi điện theo cách truyền thống, người dùng Internet đang có xu hướng chuyển dịch sang sử dụng các dịch vụ OTT. Ưu điểm lớn nhất của các app OTT là việc cung cấp dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí. Ngoài ra, ứng dụng OTT còn cho phép người dùng sử dụng các hình ảnh biểu tượng để thể hiện cảm xúc trong các cuộc hội thoại. 

ứng dụng nhắn tin OTT

Sự phổ biến của Internet và WiFi ở khắp mọi nơi cũng là chất xúc tác cho sự phát triển của các dịch vụ nhắn tin OTT tại thị trường Việt Nam. Xu hướng phát triển tới đây của các ứng dụng OTT sẽ là tích hợp thêm tính năng AI để giúp người dùng tổng hợp và tóm tắt nội dung hội thoại.

Chia sẻ những số liệu mới nhất về thị trường ứng dụng nhắn tin OTT Việt Nam, ông David Tse - Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Rakuten Viber cho biết, trung bình mỗi tháng người dùng Viber tại Việt Nam gửi 474 triệu tin nhắn, thực hiện 16 triệu cuộc gọi và trao đổi 36 triệu hình ảnh trên ứng dụng này.

Những con số thống kê trên chỉ cho thấy một phần bức tranh toàn cảnh. Bởi theo số liệu thống kê năm 2023 của DataReportal, Viber hiện chỉ chiếm khoảng 13% số người dùng Internet tại Việt Nam.

Số liệu thống kê cũng chỉ ra rằng, 39% người dùng Viber tại Việt Nam có độ tuổi từ 35-50, 28% có độ tuổi từ 25-34 và 10% nằm trong độ tuổi từ 18-24.

Từ góc nhìn của một đơn vị phát triển ứng dụng nhắn tin OTT, ông David Tse cho hay, điểm khác biệt cơ bản của thị trường Việt Nam so với toàn cầu là có tới 64% người dùng Viber Việt sử dụng hệ điều hành iOS. Từ số liệu này, Viber xếp Việt Nam vào phân khúc thị trường cao cấp, với tỷ lệ người dùng có khả năng chi trả cao.

Người dùng Việt Nam đánh giá cao về tính bảo mật và quyền riêng tư của nền tảng giao tiếp mà mình lựa chọn. Điều này là bởi các lo ngại về vấn đề an ninh liên quan đến các sự cố tấn công mạng đang gia tăng tại Việt Nam”, ông David Tse nói.

Theo ông David Hoàng, Trưởng nhóm phát triển kinh doanh của Rakuten Viber tại thị trường Việt Nam, mối quan tâm tới vấn đề bảo mật khi sử dụng ứng dụng gọi điện, nhắn tin của người dùng Việt được thể hiện rất rõ. Trên thực tế, có tới 54% người dùng Việt đưa ra quyết định lựa chọn sử dụng ứng dụng OTT Viber vì lý do bảo mật và quyền riêng tư. 

Người dùng Việt đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã đặt vấn đề về việc quản lý các dịch vụ OTT nhằm bảo vệ người dùng Việt Nam khi sử dụng các dịch vụ nhắn tin, gọi điện xuyên biên giới. Điều này đã được cụ thể hóa tại Luật Viễn thông sửa đổi được Quốc hội thông qua cuối năm 2023. 

Một trong những điểm mới của Luật Viễn thông năm 2023 là việc đưa các dịch vụ nhắn tin, gọi điện OTT như Zalo, Viber, WhatsApp, Telegram vào trong phạm vi điều chỉnh của Luật. Cụ thể, Điều 21 Luật Viễn thông 2023 đã đưa ra các quy định về việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo đó, việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới ngoài việc tuân thủ các nghĩa vụ theo cam kết trong các điều ước quốc tế, còn phải bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, chính sách công cộng

Doanh nghiệp viễn thông tham gia thỏa thuận thương mại với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam phải có phương án kỹ thuật để bảo đảm an ninh thông tin và thực hiện ngăn chặn khẩn cấp, ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Có thể bạn quan tâm