Theo một nguồn tin nói với Reuters, Microsoft được cho là đang chuẩn bị nhượng bộ các cơ quan quản lý EU liên quan đến việc mua lại Activision.
Biện pháp then chốt đưa ra để thỏa thuận được phê duyệt là cung cấp cho Sony một thỏa thuận cấp phép 10 năm, do đó, công ty trò chơi Nhật Bản sẽ có thể giữ quyền truy cập vào Call of Duty trong ít nhất một thập kỷ sau khi thỏa thuận được thống nhất. Đầu tháng này đã có thông báo rằng EU đang điều tra việc mua lại và quyết định sẽ được đưa ra vào tháng 3 năm sau.
Việc mua lại Activision Blizzard của Microsoft hiện đang đối mặt với những thách thức từ các cơ quan quản lý ở EU và Vương quốc Anh, thậm chí Mỹ cũng có thể mở một cuộc điều tra về thương vụ tỉ đô này. Một số quốc gia như Brazil và Ả Rập Xê Út đã chấp thuận việc mua Activision của Microsoft.
“Với tư cách là người đi đầu trong ngành, Sony cho biết họ đang lo lắng về Call of Duty, nhưng chúng tôi đã cam kết rằng sẽ cung cấp cùng trò chơi trên cả Xbox và PlayStation”, một phát ngôn viên của Microsoft nói với Reuters. “Chúng tôi muốn mọi người có nhiều quyền truy cập vào trò chơi hơn chứ không phải hạn chế các nền tảng đối thủ”.
Hãng sản xuất PlayStation đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thương vụ vì họ tin rằng việc Microsoft sở hữu một tựa game nổi tiếng như Call of Duty sẽ ảnh hưởng xấu đến vấn đề cạnh tranh.
Trong một tài liệu mà Sony gửi cho Cơ quan cạnh tranh và thị trường (CMA) của Vương quốc Anh, công ty đã nói với cơ quan quản lý rằng Microsoft chỉ đề nghị giữ các trò chơi Activision được phép hoạt động trên PlayStation cho đến năm 2027, đây cũng là khoảng thời gian mà máy chơi game PlayStation tiếp theo sẽ ra mắt.
Phía Microsoft đã lên tiếng để xoa dịu những lo ngại này. Trong báo cáo với CMA, công ty nói rằng PlayStation có rất nhiều những trò chơi đình đám khác và do đó thương vụ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến công ty. Microsoft cũng khẳng định rằng sẽ không rút các tựa game Activision khỏi PlayStation.
Nếu Microsoft không nhận được sự chấp thuận ở một số vùng lãnh thổ nhất định, họ có thể vẫn tiếp tục duy trì thương vụ, nhưng sẽ không thể bán các sản phẩm bị ảnh hưởng ở quốc gia đó. Mặt khác, CMA gần đây đã ra lệnh cho Facebook ngừng hoàn toàn việc mua lại Giphy, vì vậy Microsoft cũng có thể phải đối mặt với điều gì đó tương tự.