Khối lượng nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm

Khối lượng nhập khẩu chip của Trung Quốc giảm
Xu hướng giảm hiện tại trái ngược hẳn với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vi mạch bùng nổ trong hai năm qua.

khoi-luong-nhap-khau-chip-cua-tq-giam-8766.jpg

Theo số liệu hải quan chính thức, khối lượng nhập khẩu vi mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc giảm trong 4 tháng đầu năm 2022, giữa lúc nước này đang cố gắng hạn chế sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đồng thời thực hiện biện pháp chống dịch nghiêm ngặt làm tê liệt một số khu vực sản xuất.

South China Morning Post dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu 186 tỉ IC từ tháng 1 đến tháng 4.2022, giảm 11,4% so với 210 tỉ chiếc được nhập khẩu trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu lại tăng 10% lên 134,5 tỉ USD, nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm chip toàn cầu đã đẩy giá lên.

Khối lượng nhập khẩu vi mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022 giảm 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái

Số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 9/10 không bao gồm sự sụt giảm theo loại vi mạch. Xu hướng giảm hiện tại trái ngược hẳn với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vi mạch bùng nổ trong hai năm qua, khi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vi mạch hằng tháng của nước này đạt trung bình khoảng 25%.

Các công ty Trung Quốc đã tích trữ chất bán dẫn kể từ cuối năm 2020, trong bối cảnh lo ngại về gián đoạn nguồn cung do căng thẳng kinh tế Mỹ - Trung và dịch Covid-19 bùng phát. Khi cuộc chiến công nghệ với Mỹ ngày càng gia tăng, chính quyền Bắc Kinh đã tập trung nhiều hơn vào mục tiêu tự cung tự cấp chất bán dẫn bằng cách bơm tiền đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn ở Mỹ, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, doanh số bán dẫn của Trung Quốc có thể đạt 17,4% thị phần toàn cầu vào năm 2024, đưa Trung Quốc trở thành một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới sau Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, tham vọng chip của Trung Quốc đang bị cản trở do thiếu nhân tài và công nghệ cần thiết để phát triển chip tiên tiến. Chính sách “Zero-Covid” gây tranh cãi của Bắc Kinh cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Hiện nhiều nhà máy và trung tâm sản xuất phải tạm ngưng hoạt động do tình hình phong tỏa nghiêm ngặt. Các nhà sản xuất chủ chốt, bao gồm Tesla và Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), buộc phải sản xuất theo hệ thống “vòng kín”, công nhân ngủ tại công ty hoặc gần địa điểm làm việc để đảm bảo không tiếp xúc với người ngoài.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố trong tháng 4/2022, sản lượng vi mạch ở Trung Quốc giảm 4,2% so với một năm trước xuống 80,7 tỉ đơn vị trong quý đầu tiên, đánh dấu hiệu suất quý tồi tệ nhất kể từ năm 2019.

Có thể bạn quan tâm