Hà Nội sẽ sớm lắp camera phạt nguội trên đường Vành đai 3

Hiện tuyến đường Vành đai 3 trên cao có 39 camera giao thông được lắp từ cầu Thanh Trì đến nút Pháp Vân-Quốc lộ 1A và từ nút giao Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến đến cầu vượt Mai Dịch.
đường Vành đai 3

Đường Vành đai 3 là tuyến giao thông đường bộ quan trọng, đi qua nhiều quận, huyện của thành phố Hà Nội, trong đó, đoạn đường Vành đai 3 trên cao tính từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì có chiều dài khoảng 30km.

Là đoạn kết nối với một số tuyến đường cao tốc, các trục đường hướng tâm của Thủ đô nên hằng ngày lượng phương tiện lưu thông qua đây rất lớn.

Tuyến đường này còn có các phương tiện siêu trường, siêu trọng lưu thông dẫn đến thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông vào giờ cao điểm, nhất là ngày nghỉ, lễ, Tết.

Nguyên nhân ùn tắc

Tuyến đường Vành đai 3 được thiết kế với 15.000 xe lưu thông/ngày đêm. Tuy nhiên, cuối năm 2023, khi đo đếm lượng xe lưu thông qua tuyến đường này, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội ghi nhận có tới 167.000 lượt phương tiện lưu thông qua đây/ngày đêm, cao gấp nhiều lần so với thiết kế ban đầu.

Đội Cảnh sát Giao thông số 14, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên đường Vành đai 3 đoạn từ trước khu vực Tòa án Nhân dân thành phố đến cầu Thanh Trì, chiều dài khoảng 17km.

Theo Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 14, khó khăn lớn nhất của việc đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến là lưu lượng phương tiện quá lớn; tuyến đường có nhiều lối lên xuống, thường xuyên có phương tiện trọng tải lớn lưu thông.

Đặc biệt, dịp lễ, Tết, lượng xe tăng rất cao dẫn đến hạ tầng không thể đáp ứng nổi. Do lượng phương tiện lưu thông lớn nên chỉ cần gặp sự cố hư hỏng, chết máy hoặc xảy ra va chạm giao thông, cả đoạn đường bị ùn tắc nhiều giờ.

Trước mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết, tuyến đường Vành đai 3 đều được các báo, đài đưa tin ùn tắc kéo dài trong nhiều giờ. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện không có cách nào khác, đành phải lưu thông trên tuyến đường này.

Do tắc nghẽn, nhiều chủ phương tiện không chịu được cảnh “xếp hàng” trên đường nên đã lưu thông vào đường ưu tiên, dẫn đến vi phạm giao thông. Hạ tầng quá tải là nguyên nhân căn cốt dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông tại đường Vành đai 3 đoạn trên cao.

Thiếu tá Phạm Đức Hoàng chia sẻ, trước năm 2022, mỗi ngày, trung bình trên tuyến đường này xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông. Trong khi đó, hệ thống biển báo chưa đồng bộ, đặc biệt là đoạn từ cầu Pháp Vân đến cầu Thanh Trì không đảm bảo.

Ngay như việc bố trí xe cẩu kéo để giải phóng phương tiện chết máy hoặc tai nạn giao thông trên cầu Thanh Trì gặp khó khăn do phương tiện cẩu kéo không có đường lên cầu.

Tương tự, đoạn đường Vành đai 3 đoạn từ Big C đến gần chân cầu Thăng Long chiều dài khoảng hơn 4km thuộc địa phận quản lý của Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội thường xuyên có mật độ phương tiện qua lại ở mức cao.

Theo Trung tá Phạm Văn Chiến - Đội trưởng, cán bộ chiến sỹ của Đội thường xuyên túc trực hướng dẫn giao thông, tuyên truyền, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông chỉ được hạn chế, khắc phục khi lực lượng chức năng có mặt.

Khi vắng mặt lực lượng Cảnh sát giao thông, nhiều chủ phương tiện lại vi phạm Luật. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là ý thức tuân thủ chấp hành về an toàn giao thông của một số người còn thấp, kém.

“Khi Cảnh sát giao thông xử lý nghiêm hành vi đi vào làn dừng, đỗ khẩn cấp thì các xe ôtô không dám đi vào, nhưng xe máy từ phía dưới thấy đường rộng, đi phía dưới đông nên lại lên đường trên cao để đi,” Trung tá Phạm Văn Chiến cho biết thêm.

Triển khai nhiều giải pháp nhưng chưa bền vững

Trên thực tế, Công an thành phố Hà Nội và Bộ Công an dành nhiều quan tâm tới tuyến đường Vành đai 3 với mong muốn giảm tình trạng ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên tuyến.

Hằng ngày, Đội Cảnh sát giao thông số 6 và số 14 thường xuyên tuần tra kiểm soát; tổ chức tuyên truyền, phân làn giao thông, giải quyết ùn tắc.

Với đặc thù tuyến đường vành đai quan trọng kết nối vùng nên từ ngày 20/9/2022, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch, phối hợp Công an thành phố Hà Nội thí điểm, cử cán bộ chiến sỹ, phân ca, sử dụng mô tô đặc chủng, tuần tra kiểm soát lưu động, hướng dẫn giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông.

Cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng camera cầm tay ghi hình phạt nguội các trường hợp vi phạm. Trong thời gian duy trì biện pháp trên, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến giảm. Tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông được cải thiện.

Tuy nhiên, do lực lượng có hạn nên việc duy trì tuần tra, ghi hình để phạt nguội có lúc bị lơi lỏng.

Theo một số cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường Vành đai 3, cả tuyến đường dài, trọng điểm của Thủ đô nhưng mới chỉ được lắp đặt vài chục camera ghi hình phạt nguội. Đây chính là “kẽ hở” để người tham gia giao thông lách luật, vi phạm.

Trong khi đó, lượng phương tiện nhiều, ước tính cứ một giây có khoảng hai xe lưu thông trên đường, lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát hết nên việc ứng dụng công nghệ giám sát, xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến là vô cùng cần thiết.

Về nội dung này, đại diện Đội Cảnh sát Giao thông số 4 đề xuất cần lắp thêm camera trên đường; hoàn thiện hệ thống biển báo làm căn cứ xử phạt. Khi Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường chỉ cần kiểm soát nồng độ cồn và ma túy, như vậy mới đáp ứng tốt công việc.

Sớm ứng dụng công nghệ trong xử lý vi phạm

Làm rõ hơn nội dung trên, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện tuyến Vành đai 3 trên cao có 39 camera giao thông được lắp từ cầu Thanh Trì đến nút Pháp Vân-Quốc lộ 1A và từ nút giao Nguyễn Trãi-Khuất Duy Tiến đến cầu vượt Mai Dịch.

Hệ thống camera này kết nối Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông và Trung tâm Chỉ huy của Công an thành phố nhằm theo dõi tình hình trật tự, an toàn giao thông, kịp thời phát hiện sự cố, vụ việc ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến để thông báo cho lực lượng chức năng giải quyết, điều tiết giao thông.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Công an thành phố đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm song việc xử lý còn chưa triệt để, còn trường hợp vi phạm vào nhiều khung giờ khác nhau. Vì vậy, nhằm xử lý triệt để, biện pháp lắp camera phạt nguội trên tuyến đường này là rất cần thiết.

Về việc lắp đặt camera trên đường Vành đai 3 cũng như tại các công trình quan trọng về an ninh quốc gia, công trình mang tính biểu tượng, biểu trưng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tuyến giao thông, địa điểm công cộng, giải trí; địa điểm phục vụ dân sinh, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết thành phố tiến hành khảo sát, phân tích, đánh giá toàn diện hiện trạng hệ thống camera giám sát phục vụ công tác quản lý, giám sát, điều hành giao thông… trên địa bàn.

Mục đích nhằm thống nhất về mặt kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, kết nối liên thông nâng cao hiệu quả đầu tư, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô; từ đó làm cơ sở xây dựng Đề án tổng thể về quản lý hệ thống camera giám sát tập trung của thành phố, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tránh trùng lắp, lãng phí.

Hà Nội giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải, đơn vị liên quan đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị; kịp thời tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; hoàn thành trước ngày 15/4/2024.

Việc thành phố Hà Nội lắp đặt bổ sung camera là cần thiết, phù hợp xu hướng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo một số người dân và chuyên gia, bên cạnh ứng dụng công nghệ trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường Vành đai 3 và các tuyến đường khác, cần thiết phải nâng cao ý thức tuân thủ luật pháp của người tham gia giao thông để họ tự giác không vi phạm, ngay cả khi vắng bóng lực lượng chức năng.

Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo mới nhất của ConsumerLab từ Ericsson (NASDAQ: ERIC), các ứng dụng GenAI (AI tạo sinh) đang trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của người dùng smartphone 5G toàn cầu đối với kết nối vượt trội — đảm bảo kết nối ổn định, tốc độ cao khi người dùng cần nhất.