Theo tạp chí kinh tế Handelsblatt của Đức, ngành công nghiệp robot toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Do thị trường nước này đang gặp khủng hoảng, tiêu dùng suy giảm dẫn đến hàng tồn kho nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, các công ty sản xuất robot của Trung Quốc buộc phải thu hẹp sản xuất và tăng bán hàng thông qua xuất khẩu. Điều này dẫn đến cuộc chiến giá cả trong lĩnh vực robot ngày càng trở nên khốc liệt hơn.
Một nửa lượng robot mới trên toàn cầu được lắp đặt ở Trung Quốc
Tổng Thư ký Hiệp hội Robot Thế giới (IFR) Susanne Bieller cho biết một nửa lượng robot mới trên thị trường toàn cầu được lắp đặt ở Trung Quốc. Nước này cũng là một trong những thị trường tiêu thụ robot nhiều nhất thế giới.
Không quá khi nói rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất robot toàn cầu. Nếu doanh số bán hàng ở Trung Quốc giảm mạnh, phần còn lại của thế giới khó có thể bù đắp được.
Trong một thời gian dài trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực tự động hóa và phát triển sản xuất công nghiệp với hàng loạt nhà máy mới được xây dựng. Điều này mang lại lợi ích rất lớn cho các nhà sản xuất robot công nghiệp toàn cầu.
Sau khi bãi bỏ các biện pháp phòng dịch cứng rắn, nền kinh tế châu Á đã không phục hồi nhanh như kỳ vọng của các chuyên gia.
Ngoài ra, các hãng sản xuất ôtô phương Tây, khách hàng mua robot công nghiệp lớn nhất, cũng gặp khó khăn về doanh số bán hàng tại Trung Quốc.
Theo Hiệp hội IFR, doanh số bán robot ở Trung Quốc đã giảm 5% xuống còn 276.288 lượt lắp đặt mới vào năm ngoái.
Kết quả là sau nhiều năm lập kỷ lục, doanh số bán robot công nghiệp toàn cầu đã giảm 2% trong năm 2023, xuống còn 541.302 robot lắp đặt mới, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 7% mà IFR đưa ra trước đó.
Năm 2024 dự kiến cũng sẽ chứng kiến sự suy giảm của ngành này với doanh số bán tiếp tục tăng chậm. Theo bà Bieller, chưa có dấu hiệu cải thiện nào của ngành này trong tương lai gần. Điều đó trái ngược hoàn toàn với dự báo doanh số bán robot của năm 2024 sẽ đạt mức kỷ lục là 622.000 robot mới mà IFR đưa ra vào năm ngoái.
Các nhà cung cấp robot phương Tây đang dần mất thị phần
Đối với một số nhà cung cấp robot phương Tây, mức suy giảm có thể còn lớn hơn. Tại thị trường Trung Quốc, thị phần của các nhà cung cấp nội địa của nước này đã tăng lên mức 47%.
Trong tuyên bố năm 2015, Chính phủ Trung Quốc xác định robot là một trong 10 lĩnh vực công nghệ then chốt cần phát triển. Sau đó, Trung Quốc đã khởi xướng một cuộc chạy đua để bắt kịp các nhà sản xuất phương Tây. Một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh sản xuất robot cho thị trường toàn cầu.
Những người trong ngành cho biết cuộc chiến giá cả đang ngày càng khốc liệt. Chuyên gia Mladen Milicevic từ công ty khởi nghiệp tự động hóa Paderborn Unchained Robotics, cho biết robot của Trung Quốc thường rẻ hơn từ 20-30% so với robot của các nhà sản xuất châu Âu. Thậm chí, theo chuyên gia Werner Hampel từ Hiệp hội Robot Đức, sự chênh lệch về giá có thể lên tới 50%.
Hiệp hội Chế tạo máy Đức (VDMA) đã hạ dự báo tăng trưởng cho ngành công nghiệp robot của nước này, nguyên nhân là do sự cạnh tranh của Trung Quốc. VDMA hiện kỳ vọng ngành robot Đức chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay, giảm một nửa so với kỳ vọng hồi đầu năm.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn hiện tại, Tổng Thư ký Hiệp hội IFR, bà Bieller, tin rằng xu hướng tăng trưởng của ngành robot trong dài hạn vẫn nguyên vẹn.
Trong năm 2023, lần đầu tiên số lượng robot đang hoạt động trên toàn cầu đã đạt gần 4,3 triệu, tăng 10% so với năm trước. Sự thiếu hụt lao động lành nghề sẽ dẫn đến nhu cầu robot ngày càng tăng lên trong những năm tới.
Đối với các nhà cung cấp robot Đức và châu Âu, việc một số doanh nghiệp công nghiệp (khách hàng của ngành sản xuất robot) có xu hướng đưa hoạt động sản xuất của họ trở lại châu Âu hoặc gần châu Âu hơn, cũng giúp họ hưởng lợi. Năm ngoái, doanh số bán robot tại châu Âu đã tăng 9% lên mức 92.000 robot lắp đặt mới. Ở Đức, mức tăng là 7%./.