CMC tạo ấn tượng tại triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024

Tập đoàn công nghệ CMC vừa tham gia Triển lãm Ngành Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam 2024 (SEMIExpo Vietnam), diễn ra tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Hòa Lạc, Hà Nội với nhiều dấu ấn.

Chương trình tổ chức với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”. Đây là điểm đến cho các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn và công nghệ, thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư và các tổ chức quốc tế. SEMIExpo Viet Nam 2024 là triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và giao NIC phối hợp cùng Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức.

Tại triển lãm, CMC đã giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm sản phẩm, dịch vụ và hệ thống hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Gian hàng của CMC mang tới hệ sinh thái mở AI (trí tuệ nhân tạo) của CMC, các chương trình đào tạo nhân lực công nghệ, vi mạch bán dẫn, các giải pháp về sản xuất, quản lý dữ liệu và bảo mật thu hút sự quan tâm lớn từ các khách mời tham dự.

CMC cũng đã tổ chức trình diễn sản phẩm AI Box - thiết bị xử lý AI tại chỗ mà không cần thông qua AI Server, tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt và phát hiện hành vi bất thường với độ bảo mật cao. Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện CMC ATI cho biết: “AI Box được thiết kế với hệ điều hành Linux 5.10, hỗ trợ nhận diện trên hơn 10.000 ID, phù hợp cho nhiều mô hình AI và có khả năng mở rộng theo nhu cầu khách hàng. Ngành bán dẫn và công nghệ AI có mối liên kết sâu rộng và hỗ trợ lẫn nhau. Sự tăng cường về AI ngày càng đẩy mạnh ngành bán dẫn trong việc phát triển các kiến trúc chip tiên tiến hơn”.

Bên cạnh đó, CMC AIVision - AI Camera 5MP được thiết kế để xử lý tại chỗ, giảm độ trễ và tăng cường quyền riêng tư. Thiết bị có khả năng nhận diện khuôn mặt, cảnh báo cháy nổ và nhận diện biển số xe. AI Camera cũng có thể mở rộng thêm các mô hình AI khác, đem lại hiệu quả và tính năng vượt trội cho các khách hàng doanh nghiệp.

Nói về đào tạo nhân lực công nghệ, vi mạch bán dẫn của CMC, Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trường Đại học CMC cho biết: “Trong năm 2024, Trường Đại học CMC đã thành lập Khoa Vi Điện tử và Viễn Thông với Thiết kế vi mạch bán dẫn là định hướng đào tạo chính, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện các nghiên cứu về vi mạch và bán dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới”.

Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo mới nhất của ConsumerLab từ Ericsson (NASDAQ: ERIC), các ứng dụng GenAI (AI tạo sinh) đang trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của người dùng smartphone 5G toàn cầu đối với kết nối vượt trội — đảm bảo kết nối ổn định, tốc độ cao khi người dùng cần nhất.