Số vốn đầu tư tăng chủ yếu do lạm phát, khi chi phí xây dựng tăng chiếm 80% mức tăng trên.
Các nhà sản xuất chip đang đề nghị hỗ trợ hàng tỷ USD từ Chính phủ Mỹ theo Đạo luật CHIPS và Khoa học, nhằm thúc đẩy sản xuất tại nước này. Tuy nhiên, chi phí đầu tư đang gia tăng. Đạo luật được đề xuất vào năm 2020, thời điểm trước khi lạm phát cao kỷ lục và hiện các nhà chức trách Mỹ vẫn đang nỗ lực kiểm soát.
Các quan chức Bộ Thương mại Mỹ đầu tháng này cho biết phần lớn các khoản trợ cấp của chính phủ sẽ chỉ đủ cho 15% số vốn đầu tư cho các nhà máy mới.
Trong khi đó, trong ba năm kể từ khi các nghị sỹ lần đầu tiên đưa ra con số 52 tỷ USD tiền trợ cấp theo Đạo luật CHIPS và Khoa học, với 39 tỷ USD trong số này được dành cho đầu tư trực tiếp để xây dựng nhà máy, chi phí nhân công đã tăng mạnh, cũng như giá vật liệu xây dựng như thép.
Điều đó đã làm gia tăng vốn đầu tư vốn đã lớn.
Trong năm ngoái, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co của Đài Loan (Trung Quốc), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, cho biết số vốn đầu tư cho nhà máy mới tại Arizona tăng hơn gấp ba lần, lên 40 tỷ USD.
Trong khi đó, Intel Corp thông báo chi phí xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Ohio có thể tăng lên 100 tỷ USD.
Samsung thông báo xây dựng nhà máy tại Taylor, Texas vào năm 2021, nhằm xây dựng chip tiên tiến cho các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, mạng 5G và điện thoại di động.