Theo Reuters, thẩm phán tòa án liên bang Manhattan đã hoãn phiên tòa từ yêu cầu của BlackBerry để có thể thương lượng giải pháp sơ bộ cho vụ kiện tập thể.
Các nguyên đơn là những cổ đông đã cáo buộc BlackBerry lừa dối, không tiết lộ triển vọng bán hàng thực sự cho dòng BlackBerry 10, từ đó dẫn đến giá cổ phiếu của hãng bị thổi phồng quá mức. Các bị cáo khác trong vụ kiện tập thể gồm cựu Giám đốc điều hành Thorsten Heins, cựu Giám đốc tài chính Brian Bidulka, và cựu Giám đốc pháp lý Steve Zipperstein.
Ngược dòng thời gian về 9 năm trước, BlackBerry 10 là một hệ điều hành hoàn toàn mới dựa trên QNX được phát triển bởi một công ty có tên QNX Software Systems mà BlackBerry đã mua lại năm 2010.
Cùng hệ điều hành mới, hãng thuê CEO là Thorsten Heins và đổi tên công ty mẹ từ Research in Motion thành BlackBerry. Công ty đã phát hành một số model smartphone dùng BlackBerry 10 như Z10 với màn hình cảm ứng 4,2 inch không có phím QWERTY vật lý.
Mẫu BlackBerry 10 thú vị nhất là Passport, có kích thước bằng một quyển hộ chiếu. Passport được trang bị màn hình 4,5 inch, bàn phím QWERTY rộng hơn bình thường. Smartphone này có lẽ sẽ thành công nếu BlackBerry chuyển sang Android sớm, thay vì cố chấp giữ hệ điều hành của riêng mình.
Thực tế BlackBerry 10 là một hệ điều hành tốt, nhưng không có kho ứng dụng đầy đủ khiến hãng Canada từ bỏ và chuyển sang dùng Android trên BlackBerry Priv, chiếc điện thoại có bàn phím QWERTY trượt dọc.
BlackBerry đã cấp phép tên và phần mềm của mình cho nhà sản xuất Trung Quốc TCL. Hãng này khá thành công khi phát hành BlackBerry KeyOne, Key2 và Key2 LE. Nhưng TCL đã ngừng sản xuất điện thoại BlackBerry vào tháng 8.2020 khi giấy phép của họ với BlackBerry hết hạn.
Cùng tháng đó, công ty OnwardMobility thông báo đã ký hợp tác cấp phép với BlackBerry cho chiếc smartphone BlackBerry 5G đầu tiên. Điện thoại mới được cho là sẽ được giới thiệu vào năm 2021, nhưng đến nay chưa có thiết bị nào với logo dâu đen được giới thiệu.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành BlackBerry hiện tại - John Chen, đã vực dậy công ty, biến hãng thành nhà cung cấp phần mềm an ninh mạng thành công. John không mong muốn quay lại kinh doanh điện thoại thông minh. BlackBerry cũng đã bán hết tài sản điện thoại thông minh còn lại của mình (bao gồm cả bằng sáng chế) với giá 600 triệu USD.
BlackBerry hiện được định giá gần 4 tỉ USD, thấp hơn rất nhiều so với con số gần 80 tỉ USD vào năm 2008 khi hãng có logo dâu đen vẫn là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, việc ban lãnh đạo BlackBerry không coi iPhone là một mối đe dọa và kiên quyết từ chối sản xuất điện thoại Android cho đến khi quá muộn là những lý do chính đằng sau sự suy giảm và sụp đổ của công ty trong lĩnh vực điện thoại thông minh.